Ảnh mang tính minh hoạ - Nguồn
Internet
|
Bộ Luật Lao động năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007
- Chương 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
- Chương 2: VIỆC LÀM
- Chương 3: HỌC NGHỀ
- Chương 4: HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
- Chương 5: THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ
- Chương 6: TIỀN LƯƠNG
- Chương 7: THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI
- Chương 8: KỶ LUẬT LAO ĐỘNG, TRÁCH NHIỆM VẬT CHẤT
- Chương 9: AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH LAO ĐỘNG
- Chương 10: NHỮNG QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG NỮ
- Chương 11: NHỮNG QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN
- Chương 12: BẢO HIỂM XÃ HỘI
- Chương 13: CÔNG ĐOÀN
- Chương 14: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG
- Chương 15: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG
- Chương 16: XỬ PHẠT VI PHẠM PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG
- Chương 17: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Chuơng 6:
TIỀN LƯƠNG
Điều 55. Tiền
lương của người lao động do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động
và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc.
Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do
Nhà nước quy định.
Điều 56.
Mức
lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao
động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù
đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ tái sản xuất sức lao
động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại
lao động khác.
Chính
phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu chung, mức lương tối
thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành cho từng thời kỳ sau khi lấy ý
kiến Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao
động.
Khi
chỉ số giá sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao
động bị giảm sút, thì Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo
đảm tiền lương thực tế.
Điều 57
Sau
khi tham khảo ý kiến của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện
của người sử dụng lao động, Chính phủ quy định các nguyên tắc xây dựng
thang lương, bảng lương và định mức lao động để người sử dụng lao động
xây dựng và áp dụng phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh
nghiệp; quy định thang lương, bảng lương đối với doanh nghiệp nhà nước.
Khi
xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, người sử dụng lao
động phải tham khảo ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở; thang lương,
bảng lương phải được đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính của người sử
dụng lao động và công bố công khai trong doanh nghiệp.
Điều 58.
1-
Người sử dụng lao động có quyền chọn các hình thức trả lương theo thời
gian (giờ, ngày, tuần, tháng), theo sản phẩm, theo khoán nhưng phải duy
trì hình thức trả lương đã chọn trong một thời gian nhất định và phải
thông báo cho người lao động biết.
2-
Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần được trả lương sau giờ,
ngày, tuần làm việc ấy hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít
nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
3- Người lao động hưởng lương tháng được trả lương cả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
4-
Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán, được trả lương
theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng
thì hàng tháng được tạm ứng lương theo khối lượng công việc đã làm trong
tháng.
Điều 59.
1- Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc.
Trong
trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm, thì không được chậm quá một
tháng và người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản
tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước
công bố tại thời điểm trả lương.
2-
Lương được trả bằng tiền mặt. Việc trả lương một phần bằng séc hoặc
ngân phiếu do Nhà nước phát hành, do hai bên thoả thuận với điều kiện
không gây thiệt hại, phiền hà cho người lao động.
Điều 60.
1-
Người lao động có quyền được biết lý do mọi khoản khấu trừ vào tiền
lương của mình. Trước khi khấu trừ tiền lương của người lao động, người
sử dụng lao động phải thảo luận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở;
trường hợp khấu trừ thì cũng không được khấu trừ quá 30% tiền lương hàng
tháng.
2- Người sử dụng lao động không được áp dụng việc xử phạt bằng hình thức cúp lương của người lao động.
*Điều 61
1- Người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.
Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì còn được trả thêm theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Nếu
người lao động được nghỉ bù những giờ làm thêm, thì người sử dụng lao
động chỉ phải trả phần tiền chênh lệch so với tiền lương tính theo đơn
giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm của ngày làm việc
bình thường.
2-
Người lao động làm việc vào ban đêm quy định tại Điều 70 của Bộ luật
này, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá
tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày.
Điều 62.
Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
2-
Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những
người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương
theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối
thiểu;
3-
Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động
hoặc vì những nguyên nhân bất khả kháng, thì tiền lương do hai bên thoả
thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Điều 63. Các
chế độ phụ cấp, tiền thưởng, nâng bậc lương, các chế độ khuyến khích
khác có thể được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước tập thể
hoặc quy định trong quy chế của doanh nghiệp.
*Điều 64
Căn
cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp và mức độ
hoàn thành công việc của người lao động, người sử dụng lao động thưởng
cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định sau khi tham khảo ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở.
Điều 65.
1-
Nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương
tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ
của những người ấy kèm theo danh sách những người lao động làm việc với
họ và phải bảo đảm việc họ tuân theo quy định của pháp luật về trả công
lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động.
2-
Nếu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự trả thiếu
hoặc không trả lương và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao
động, thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả
lương và bảo đảm các quyền lợi đó cho người lao động. Trong trường hợp
này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu
hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp
luật.
*Điều 66
Trong
trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở
hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì
người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm trả lương và các
quyền lợi khác cho người lao động từ doanh nghiệp cũ chuyển sang. Trong
trường hợp doanh nghiệp bị phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc,
bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước
tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết là khoản nợ trước hết trong thứ
tự ưu tiên thanh toán.
Điều 67.
1- Khi bản thân hoặc gia đình gặp khó khăn, người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thoả thuận.
2- Người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương cho người lao động phải tạm thời nghỉ việc để làm các nghĩa vụ công dân.
3- Việc tạm ứng tiền lương cho người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Chính phủ.
Ghi chú:
- Những Chương, Điều, khoản có dấu * được sửa đổi, bổ sung năm 2002
- Những Chương, Điều, khoản có dấu ** được sửa đổi, bổ sung năm 2006
- Những Chương, Điều, khoản có dấu *** được sửa đổi, bổ sung năm 2007
0 nhận xét