Chương 7 và 8 - Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng

Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Chương 7
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 41. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
1. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước và quản lý chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành, bao gồm: Công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật.
2. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:
a) Bộ Giao thông vận tải quản lý chất lượng công trình giao thông;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
c) Bộ Công Thương quản lý chất lượng công trình hầm mỏ, dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý chất lượng các công trình xây dựng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Sở Xây dựng và các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý chất lượng công trình chuyên ngành như sau:
a) Sở Xây dựng quản lý các công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật;
b) Sở Giao thông vận tải quản lý chất lượng công trình giao thông;
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất lượng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn;
d) Sở Công thương quản lý chất lượng công trình hầm mỏ dầu khí, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành.
Điều 42. Nội dung quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Bộ Xây dựng
1. Ban hành và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
2. Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng khi cần thiết.
3. Yêu cầu, đôn đốc các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra định kỳ công tác quản lý chất lượng và chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi quản lý của mình.
4. Công bố trên trang thông tin điện tử do Bộ quản lý về thông tin năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình trên cả nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này.
5. Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 của Nghị định này.
6. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với công trình chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ và phối hợp với Bộ quản lý công trình chuyên ngành kiểm tra đối với các công trình chuyên ngành theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này.
7. Tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng khi được yêu cầu hoặc khi phát hiện công trình có chất lượng không đảm bảo yêu cầu theo thiết kế, có nguy cơ mất an toàn chịu lực; tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 39 của Nghị định này.
8. Chủ trì tổ chức xét giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
9. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ hằng năm về tình hình chất lượng, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên phạm vi cả nước và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
10. Xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng quy định tại Nghị định này.
11. Thực hiện các nội dung quản lý khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Điều 43. Nội dung quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các Bộ, ngành khác
1. Các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng như sau:
a) Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng áp dụng cho các công trình chuyên ngành;
b) Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ khi cần thiết hoặc khi được Bộ Xây dựng yêu cầu;
c) Báo cáo Bộ Xây dựng kế hoạch kiểm tra, kết quả kiểm tra công tác quản lý chất lượng và chất lượng các công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
d) Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 21 của Nghị định này;
đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này;
e) Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên ngành;
g) Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng như sau:
a) Hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
b) Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh do Bộ quản lý;
c) Tổ chức thực hiện thẩm tra thiết kế đối với các công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh do Bộ quản lý;
d) Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 32 của Nghị định này;
đ) Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh do Bộ quản lý.
3. Các Bộ quản lý chất lượng công trình chuyên ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ, ngành khác tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ, ngành quản lý trước ngày 15 tháng 12 hằng năm.
Điều 44. Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
3. Kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Nghị định này đối với các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình trên địa bàn.
4. Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 39 của Nghị định này.
5. Phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này.
6. Tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn trước ngày 15 tháng 12 hằng năm và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 45. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
1. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, thực hiện các việc sau:
a) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn;
b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia xây dựng công trình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
c) Kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình và chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn;
d) Phối hợp với Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành;
đ) Thẩm tra thiết kế xây dựng công trình chuyên ngành do Sở quản lý theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 của Nghị định này;
e) Công bố trên trang thông tin điện tử do Sở quản lý thông tin năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng công trình trên địa bàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này;
g) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 39 của Nghị định này; theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình sự cố trên địa bàn;
h) Kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này đối với công trình chuyên ngành do Sở quản lý;
i) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định kỳ, đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn;
k) Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp và báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn định kỳ hằng năm và đột xuất; báo cáo danh sách các nhà thầu vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình khi tham gia các hoạt động xây dựng trên địa bàn.
2. Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn;
b) Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm tra thiết kế xây dựng công trình chuyên ngành theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 21 của Nghị định này;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này đối với công trình chuyên ngành;
d) Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên ngành; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn định kỳ hằng năm và đột xuất.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng;
b) Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng được ủy quyền quyết định đầu tư và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn;
c) Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn khi được yêu cầu;
d) Báo cáo sự cố và giải quyết sự cố theo quy định tại Điều 37, Điều 38 của Nghị định này;
đ) Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Xây dựng định kỳ hằng năm, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
Điều 46. Xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng
1. Khi phát hiện các hành vi vi phạm quy định của Nghị định này qua công tác kiểm tra hoặc do tổ chức, cá nhân phản ánh, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng phải kịp thời yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục, đồng thời đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Các tổ chức, cá nhân có vi phạm ngoài việc phải chấp hành các yêu cầu khắc phục của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật còn bị công bố tên và hành vi vi phạm của các tổ chức này trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
2. Trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công không đảm bảo an toàn thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng được quyền tạm dừng thi công công trình và chỉ cho phép thi công sau khi chủ đầu tư và các nhà thầu khắc phục các tồn tại, đảm bảo an toàn.
Chương 8
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2013 và thay thế Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thay thế Khoản 4 Điều 13, Điều 18 và Điều 30 của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Các quy định trước đây của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
2. Quy định sử dụng thông tin về năng lực để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2013.
3. Các công trình đã thực hiện chứng nhận đủ điều kiện an toàn chịu lực, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng thì tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành công trình.
Điều 48. Tổ chức thực hiện
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Bộ Xây dựng hướng dẫn các nội dung: Đăng ký và công bố thông tin của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, tổ chức và hoạt động của tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng; quy định chi tiết các nội dung khác về quản lý chất lượng công trình và cấp sự cố công trình theo quy định của Nghị định này.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn phí thẩm tra thiết kế của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng quy định về danh mục công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
5. Trong thời gian chưa ban hành các văn bản hướng dẫn về phân cấp các loại công trình xây dựng, cho phép tiếp tục áp dụng theo quy định hiện hành cho đến khi ban hành các quy định mới./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng




Xem tiếp:
Tóm lượt nội dung của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng


Chương 1: Những quy định chung
Chương 2: Quản lý chất lượng khảo sát xây dựng
Chương 3: Quản lý chất lượng thiết kế xây dựng công trình
Chương 4: Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình
Chương 5: Bảo hành công trình xây dựng
Chương 6: Sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình
Chương 7: Quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
Chương 8: Điều khoản thi hành
Phụ lục : Phân loại công trình xây dựng



Tags: , ,

MINH TRÍ

Đọc giả thân mến! Những bài viết trong Blog Tri Thức Kế Toán nhằm mục đích cho nhật ký cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện ghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Lê Minh Trí.

HƯỚNG DẪN CÁCH VIẾT BÌNH LUẬN
1. Sử dụng tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Tên/URL-Website [có thể bỏ trống URL], hoặc Ẩn danh [Anonymous] để đưa ra comment [bình luận], nếu muốn.
2. Vui lòng đăng bình luận hòa nhã, đúng mực và cố gắng gõ tiếng Việt có dấu nếu có thể. MINH TRÍ rất vui vì những bình luận thiện chí mang tính xây dựng. Xin chân thành cảm ơn!

0 nhận xét

Leave a Reply