Chương V - QUẢN LÝ THU, CẤP SỔ BHXH, THẺ BHYT (Theo QĐ số 1111/QĐ-BHXH- 25/10/2011)


Ảnh mang tính minh hoạ




BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

----------
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------








QUY ĐỊNH
Quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế


MỤC LỤC
Chương I -  QUY ĐỊNH CHUNG

Chương II - ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG VÀ PHƯƠNG THỨC ĐÓNG
     Mục 1 - BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC
     Mục 2 - BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN
     Mục 3 - BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
     Mục 4 - BẢO HIỂM Y TẾ

Chương III - HỒ SƠ VÀ THỜI HẠN GIẢI QUYẾT
     Mục 1 - ĐỐI TƯỢNG CÙNG ĐÓNG BHXH BẮT BUỘC, BHYT
     Mục 2 - ĐỐI TƯỢNG CHỈ THAM GIA BHXH
     Mục 3 - ĐỐI TƯỢNG CHỈ THAM GIA BHYT
    Mục 4 - CẤP LẠI, ĐỔI SỔ BHXH, THẺ BHYT VÀ ĐIỀU CHỈNH NỘI DUNG ĐÃ GHI TRÊN SỔ BHXH
     Mục 5 - THỜI HẠN GIẢI QUYẾT

Chương IV - QUY TRÌNH THU; CẤP SỔ BHXH, THẺ BHYT
     Mục 1 - QUY TRÌNH THU; CẤP SỔ BHXH, THẺ BHYT LẦN ĐẦU
    Mục 2 - QUY TRÌNH CẤP LẠI, ĐIỀU CHỈNH SỔ BHXH VÀ ĐỔI THẺ BHYT CÓ THAY ĐỔI THÔNG TIN
     Mục 3 - QUY TRÌNH CẤP LẠI SỔ BHXH, THẺ BHYT KHÔNG PHẢI THAY ĐỔI THÔNG TIN

Chương V - QUẢN LÝ THU, CẤP SỔ BHXH, THẺ BHYT
     Mục I - KẾ HOẠCH THU, CẤP PHÁT PHÔI SỔ BHXH, PHÔI THẺ BHYT
     Mục 2 - QUẢN LÝ THU
     Mục 3 - QUẢN LÝ PHÔI , CẤP PHÔI SỔ BHXH, PHÔI THẺ BHYT
     Mục 4 - CẤP VÀ QUẢN LÝ SỔ BHXH
     Mục 5 - CẤP VÀ QUẢN LÝ THẺ BHYT
     Mục 6 - KIỂM TRA TẠI ĐƠN VỊ THAM GIA BHXH, BHYT

Chương VI - HỆ THỐNG CHỨNG TỪ, SỔ SÁCH, BIỂU MẪU VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Chương VII - TỔ CHỨC THỰC HIỆN



Chương V

QUẢN LÝ THU, CẤP SỔ BHXH, THẺ BHYT



Mục I

KẾ HOẠCH THU, CẤP PHÁT PHÔI SỔ BHXH, PHÔI THẺ BHYT



Điều 49. Xây dựng kế hoạch thu, kinh phí hỗ trợ công tác thu hàng năm.

1. BHXH huyện:

1.1. Kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN:

a) Căn cứ tình hình thực hiện năm trước, 6 tháng đầu năm và khả năng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, lập 02 bản kế hoạch thu BHXH, BHYT năm sau (mẫu K011-TS) gửi 01 bản đến BHXH tỉnh trước ngày 10/6 hằng năm.

b) Lập 02 bản kế hoạch Ngân sách địa phương đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT, hỗ trợ quỹ BHTN, gửi kịp thời cho cơ quan tài chính cùng cấp theo phân cấp Ngân sách địa phương để tổng hợp trình UBND huyện quyết định, hoặc gửi BHXH tỉnh để lập kế hoạch chung toàn tỉnh.

1.2. Kế hoạch kinh phí hỗ trợ thu, hoa hồng đại lý và kinh phí để gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT của người lao động (gọi tắt là kế hoạch kinh phí hỗ trợ công tác thu):

Căn cứ kế hoạch thu năm sau, bộ phận Thu phối hợp bộ phận KHTC và các bộ phận liên quan, xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ công tác thu năm sau để gửi BHXH tỉnh.

2. BHXH tỉnh:

a) Phòng Thu lập 02 bản kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp các Phòng có liên quan lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ công tác thu đối với các đối tượng do tỉnh trực tiếp thu; tổng hợp toàn tỉnh, lập 02 bản kế hoạch thu BHXH, BHYT (mẫu K01-TS), gửi BHXH Việt Nam 01 bản trước ngày 15/6 hàng năm.

b) Lập 02 bản kế hoạch Ngân sách địa phương đóng, hỗ trợ mức đóng BHYT, hỗ trợ quỹ BHTN, gửi Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định.

3. BHXH Việt Nam:

a) Ban Thu căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch năm trước, ước thực hiện năm nay và các yếu tố ảnh hưởng đến công tác thu BHXH, BHYT, BHTN, lập kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN, phối hợp với Ban KHTC báo cáo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, bảo vệ kế hoạch với Nhà nước.

b) Ban Thu phối hợp với Ban Chi lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ công tác thu cho từng tỉnh, gửi Ban KHTC trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Điều 50. Giao kế hoạch thu hàng năm.

1. BHXH Việt Nam:

Ban Thu căn cứ chỉ tiêu kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN được Nhà nước giao, tình hình thực hiện kế hoạch năm trước, năm nay và khả năng phát triển lao động của từng địa phương, tổng hợp, lập kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN và phối hợp với Ban Chi lập kế hoạch phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác thu năm sau cho BHXH tỉnh vào tháng 12 hằng năm, trình Tổng giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt.

2. BHXH tỉnh: Căn cứ kế hoạch thu do BHXH Việt Nam giao, tiến hành phân bổ kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN; kế hoạch kinh phí hỗ trợ công tác thu cho BHXH tỉnh và BHXH huyện, trình Giám đốc BHXH tỉnh phê duyệt.

Điều 51. Điều chỉnh kế hoạch thu

1. BHXH huyện:

Trước ngày 01/8 hằng năm, căn cứ kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN được BHXH tỉnh giao, tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và các yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch thu trong năm, tiến hành rà soát, tính toán khả năng thực hiện kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN, báo cáo BHXH tỉnh.

2. BHXH tỉnh:

Trước ngày 15/8 hằng năm, Phòng Thu căn cứ kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN được BHXH Việt Nam giao, tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và các yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch thu trong năm, tiến hành rà soát, tính toán khả năng thực hiện kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN, phân tích, tổng hợp, trình Giám đốc BHXH tỉnh báo cáo BHXH Việt Nam.

3. BHXH Việt Nam:

Ban Thu căn cứ chỉ tiêu kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN được Nhà nước giao (nếu có), tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, văn bản đề nghị điều chỉnh kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh gửi đến, tiến hành rà soát, tính toán, lập phương án điều chỉnh kế hoạch và phối hợp với Ban KHTC báo cáo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam điều chỉnh kế hoạch thu vào tháng 10 hằng năm.

Điều 52. Kế hoạch cấp phát phôi sổ BHXH, thẻ BHYT.

1. BHXH huyện:

Căn cứ tình hình sử dụng phôi sổ BHXH, thẻ BHYT và số lượng phôi sổ BHXH, thẻ BHYT còn tồn; dự báo khả năng phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT của năm sau, lập kế hoạch sử dụng phôi sổ BHXH, thẻ BHYT năm sau (mẫu K02-TS) gửi phòng Cấp sổ, thẻ BHXH tỉnh trước ngày 15/6 hằng năm.

2. BHXH tỉnh:

Phòng Cấp sổ, thẻ căn cứ nhu cầu sử dụng sổ BHXH, thẻ BHYT của các đơn vị do tỉnh trực tiếp quản lý; kế hoạch sử dụng sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH huyện; số lượng sổ BHXH, thẻ BHYT còn tồn, lập kế hoạch sử dụng phôi sổ BHXH, thẻ BHYT năm sau (mẫu K02-TS) gửi Ban Cấp sổ, thẻ BHXH Việt Nam trước ngày 01/7 hằng năm.

3. BHXH Việt Nam:

Ban Cấp sổ, thẻ căn cứ kế hoạch sử dụng phôi sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH các tỉnh để tổng hợp, lập kế hoạch sử dụng phôi sổ BHXH, thẻ BHYT, trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phê duyệt, sau đó chuyển cho Văn phòng trước ngày 01/8 hằng năm để tổ chức in và chuyển cho BHXH tỉnh.



Mục 2

QUẢN LÝ THU



Điều 53. Quản lý đối tượng

1. Đối tượng cùng tham gia BHXH, BHYT

1.1. BHXH tỉnh, huyện có trách nhiệm:

Điều tra, lập danh sách các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; thông báo, hướng dẫn các đơn vị kịp thời đăng ký tham gia, đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Định kỳ báo cáo UBND cùng cấp, cơ quan quản lý lao động địa phương tình hình chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của các đơn vị trên địa bàn, đề xuất biện pháp giải quyết đối với các đơn vị chậm đóng kéo dài hoặc đơn vị cố tình trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. Các trường hợp đơn vị vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN: không đăng ký tham gia hoặc đăng ký đóng BHXH, BHYT, BHTN không đủ số lao động, không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, cơ quan BHXH lập biên bản, truy thu BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại văn bản này.

1.2. Doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang khi chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định tại Luật doanh nghiệp thì đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN tại BHXH địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở chính theo quy định tại văn bản này.

1.3. Người lao động đồng thời có từ 02 hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, BHYT, BHTN theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có mức tiền lương, tiền công cao nhất hoặc hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có thời gian dài nhất.

1.4. Người lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định sau khi hết thời hạn hợp đồng nếu không ký tiếp hợp đồng mới nhưng người lao động vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị thì sau 30 ngày người lao động và đơn vị phải đóng BHXH bắt buộc, BHYT kể từ ngày hết hạn hợp đồng cũ. Trường hợp ký hợp đồng mới (hợp đồng lần thứ 2) có thời hạn dưới 03 tháng nhưng sau khi hết thời hạn hợp đồng lần thứ 2, người lao động tiếp tục làm việc tại đơn vị thì người lao động và đơn vị phải đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN kể từ khi hết hạn thời hạn hợp đồng lần thứ 2.

1.5. Người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng đến 36 tháng với cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thì đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN căn cứ tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động phụ thuộc vào chế độ tiền lương mà cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp đó thực hiện đối với người lao động, không thấp hơn mức lương tối thiểu chung tại thời điểm đóng.

1.6. Người lao động có thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng đó thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thì đơn vị và người lao động phải đóng đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cả thời gian thử việc theo mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.

1.7. Người lao động được cử đi học, thực tập, công tác, nghiên cứu, điều dưỡng ở trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị nơi cử người lao động đi thì vẫn phải đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN. Riêng người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài theo quy định của Nhà nước thì không phải đóng BHYT.

1.8. Quản lý đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN

a) Đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN nợ đến 03 tháng tiền đóng đối với đơn vị đóng hằng tháng, 6 tháng đối với đơn vị đóng hằng quý, 9 tháng đối với đơn vị đóng 6 tháng một lần thì cán bộ chuyên quản thu liên hệ và trực tiếp đến đơn vị để đôn đốc, đối chiếu thu nộp và lập Biên bản đối chiếu thu nộp (mẫu C05-TS). Sau đó tiếp tục gửi văn bản đôn đốc đơn vị, 15 ngày gửi văn bản đôn đốc một lần; đồng thời, gửi cho Tổ thu nợ của BHXH tỉnh, BHXH huyện phối hợp thực hiện cho đến khi thu nợ xong.

b) Trường hợp phát hiện đơn vị không còn tồn tại, không còn hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng không thực hiện các thủ tục báo giảm, giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người lao động thì Phòng hoặc bộ phận Thu báo cáo Giám đốc BHXH để báo cáo UBND, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cùng cấp kiểm tra, lập biên bản xác định thời điểm đơn vị ngừng tham gia BHXH, BHYT do không còn tồn tại, không tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh; căn cứ biên bản kiểm tra, cơ quan BHXH chốt số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đến thời điểm đơn vị ngừng hoạt động và dừng tính lãi chậm đóng, dừng tính số phải thu phát sinh.

Nếu sau khi cơ quan BHXH đã báo cáo nhưng UBND, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động không phối hợp kiểm tra thì cơ quan BHXH thành lập đoàn và thực hiện kiểm tra, lập biên bản có chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở.

c) Khởi kiện các đơn vị nợ đọng kéo dài:

Đối với đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan BHXH đã thực hiện đối chiếu, lập biên bản đối chiếu thu nộp theo quy định tại Tiết a Điểm này, gửi văn bản đôn đốc thu nộp đến 03 lần nhưng đơn vị vẫn không đóng thì cơ quan BHXH thực hiện như sau:

- Tiếp tục đối chiếu thu nộp và lập Biên bản đối chiếu thu nộp (mẫu C05-TS).

- Gửi văn bản thông báo tình hình đóng BHXH, BHYT của đơn vị cho đơn vị cấp trên hoặc cơ quan quản lý đơn vị để có biện pháp đôn đốc đơn vị trả nợ và đóng BHXH, BHYT, BHTN. Sau đó, nếu đơn vị vẫn không đóng thì gửi văn bản báo cáo UBND cùng cấp và cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra lao động trên địa bàn kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (một năm kể từ ngày đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN) mà các cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý thì cơ quan BHXH lập hồ sơ khởi kiện đơn vị ra tòa án. Giám đốc BHXH tỉnh giao cho trưởng phòng Thu, Giám đốc BHXH huyện chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan để lập hồ sơ khởi kiện.

2. Đối tượng chỉ tham gia BHYT

2.1. Cơ quan BHXH tỉnh, huyện tổ chức thống kê, lập danh sách; tổ chức thu, cấp thẻ BHYT cho đối tượng; định ký báo cáo với UBND cùng cấp về tình hình thực hiện BHYT cho các đối tượng theo quy định của Luật BHYT và đề xuất các biện pháp giải quyết vướng mắc.

2.2. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi tham gia BHYT thì cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT cho trẻ thực hiện thu đủ tiền đóng BHYT theo thời hạn sử dụng thẻ BHYT đã cấp.



            Điều 54. Quản lý mức đóng.

1. Cơ quan BHXH căn cứ hồ sơ của đơn vị và người tham gia để xác định đối tượng, tiền lương, mức đóng, số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người tham gia và đơn vị theo phương thức đóng của đơn vị, người tham gia.

2. Người lao động tăng mới hoặc ngừng việc, nghỉ việc trong tháng, có ít nhất 01 ngày làm việc và hưởng tiền lương trong tháng, thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị và người lao động như sau:

2.1. Trường hợp số ngày không làm việc và không hưởng tiền lương, từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không tính đóng BHXH, BHYT, BHTN của tháng đó:

- Người lao động tăng mới thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày đầu của tháng tiếp theo tháng chuyển đến làm việc hoặc tháng có hiệu lực của hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng;

- Người lao động ngừng việc, nghỉ việc thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đến ngày cuối cùng của tháng trước liền kề tháng ngừng việc, nghỉ việc.

Trong cả hai trường hợp trên, nếu đơn vị và người lao động đề nghị đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cả tháng mà người lao động có ít nhất 01 ngày làm việc và hưởng tiền lương, tiền công thì thực hiện theo đề nghị của đơn vị.

2.2. Trường hợp số ngày không làm việc và không hưởng tiền lương, dưới 14 ngày trong tháng thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với đơn vị và người lao động cả tháng đó:

- Người lao động tăng mới thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN từ ngày đầu của tháng chuyển đến làm việc hoặc tháng có hiệu lực của hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng;

- Người lao động ngừng việc, nghỉ việc thì tính đóng BHXH, BHYT, BHTN đến ngày cuối cùng của tháng ngừng việc, nghỉ việc.

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong Công ty Nhà nước chuyển thành Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước từ hai thành viên trở lên đóng BHXH theo tiền lương do Nhà nước quy định nêu tại Khoản 1 Điều 6 nếu Công ty thực hiện đầy đủ quy định tại các Điểm a, b, c, Khoản 6, Mục D Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó, thời hạn đăng ký thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động phải theo đúng quy định tại Thông tư số 28/2007/TT-BLĐTBXH ngày 05/12/2007 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội.

Trường hợp Công ty không thực hiện đầy đủ các quy định trên thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 6.

4. Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước từ hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ Công ty Nhà nước nêu tại Điểm 2.3 Khoản này, sau đó không thực hiện xếp hạng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 23/2005/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/8/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính thì tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 6.

5. Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước từ hai thành viên trở lên được chuyển đổi từ Công ty Nhà nước nêu tại Điểm 2.3 Khoản này, sau đó thành lập các Công ty cổ phần hạch toán độc lập thì người lao động trong các Công ty cổ phần hạch toán độc lập này đóng BHXH bắt buộc theo mức tiền lương, tiền công quy định tại Khoản 2 Điều 6.


Điều 55. Quản lý tiền thu

1. Hình thức đóng tiền: Đơn vị, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN đóng bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt:

1.1. Chuyển khoản: Chuyển tiền đóng vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

1.2. Tiền mặt:

- Đối với đơn vị: Nộp trực tiếp tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

- Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, người tự nguyện tham gia BHYT, người tham gia BHYT được Ngân sách hỗ trợ một phần mức đóng: nộp cho đại lý thu hoặc trực tiếp cho BHXH huyện. BHXH huyện phải nộp ngay trong ngày vào tài khoản chuyển thu tại ngân hàng.

2. Chuyển tiền thu

BHXH huyện, BHXH tỉnh chuyển toàn bộ số tiền đã thu BHXH, BHYT, BHTN kịp thời về tài khoản chuyên thu của BHXH cấp trên theo quy định.

Số tiền thực thu BHXH, BHYT, BHTN là số tiền đã chuyển vào tài khoản chuyên thu của BHXH các cấp theo chứng từ báo có của ngân hàng, Kho bạc Nhà nước.

3. Hoàn trả.

3.1. Các trường hợp hoàn trả:

a) Đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc di chuyển nơi đăng ký tham gia đã đóng thừa, đóng trùng tiền BHXH, BHYT, BHTN, các trường hợp hoàn trả BHXH tự nguyện, BHYT quy định tại Điều 25; Khoản 3 Điều 28; Khoản 2, Điều 30 và Khoản 2 Điều 31.

b) Đơn vị chuyển tiền vào tài khoản chuyên thu không phải là đơn vị thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN do cơ quan BHXH quản lý.

c) Số tiền đơn vị, cá nhân đã chuyển vào tài khoản chuyên thu không phải là tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN.

d) Kho bạc hoặc ngân hàng hạch toán nhầm vào tài khoản chuyên thu.

3.2. Phân cấp thực hiện:

Giám đốc BHXH tỉnh giải quyết các trường hợp hoàn trả tiền từ tài khoản chuyên thu BHXH, BHYT, BHTN; không uỷ quyền cho BHXH huyện.

3.3. Trình tự hoàn trả:

a) Hồ sơ đề nghị hoàn trả:

- Trường hợp quy định tại Tiết a, Điểm 3.1 Khoản này: đơn vị, cá nhân lập hồ sơ theo quy định tại Điều 25, Khoản 2 Điều 30 và Khoản 2 Điều 31.

- Các trường hợp còn lại: đơn vị hoặc ngân hàng, kho bạc có văn bản đề nghị.

b) Phòng Thu phối hợp với Phòng KHTC xác định nguyên nhân, số tiền đã đóng thừa, số tiền chuyển nhầm, hạch toán nhầm vào tài khoản chuyên thu trình Giám đốc BHXH tỉnh.

c) Giám đốc BHXH tỉnh ra quyết định hoàn trả (mẫu C16-TS), gửi 01 bản cho phòng KHTC lưu và làm thủ tục chuyển tiền, gửi BHXH huyện hoặc phòng Thu 01 bản theo phân cấp quản lý thu. Trường hợp ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước hạch toán nhầm thì gửi 01 bản cho ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước đó để kiểm soát.


Điều 56. Tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN

1. Đơn vị đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chậm quá thời hạn theo quy định từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng gồm:

a) Số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN phải đóng nhưng chưa đóng đã quá thời hạn quy định, trừ số tiền 2% trong kỳ được giữ lại của đơn vị tham gia BHXH bắt buộc.

b) Số tiền 2% đơn vị được giữ lại lớn hơn số tiền được quyết toán, đơn vị phải đóng phần chênh lệch vào tháng đầu của quý sau nhưng chưa đóng.

2. Phương thức tính lãi: ngày đầu hằng tháng

3. Công thức tính lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN:

Lcdi = (Pcdi + Lcdi-1) x k (đồng) (1)

Trong đó:

* Lcdi: tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN tính tại tháng i (đồng).

* Pcdi: số tiền chưa đóng phải tính lãi tính tại tháng i (đồng), được xác định như sau:

Pcdi = Plki – Spsi, trong đó:

Plki: tổng số tiền phải đóng luỹ kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (nợ mang sang tháng tính lãi).

Spsi: số phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp, tính đến tháng trước liền kề tháng tính lãi i (số tiền phải đóng tính theo danh sách tham gia BHXH, BHYT, BHTN của tháng trước liền kề tháng tính lãi hoặc của các tháng trước tháng liền kề tháng tính lãi trong phương thức đóng hằng quý hoặc 6 tháng một lần chưa quá hạn phải nộp).

Nếu Pcdi > 0 thì có nợ tính lãi, nếu Pcdi ≤ 0 thì không có nợ tính lãi.

* k: lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%/tháng): Đối với BHXH bắt buộc và BHTN thì k tính bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH hằng năm do BHXH Việt Nam công bố chia cho 12; đối với BHYT thì k tính bằng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng tại thời điểm tính lãi chia cho 12.

* Lcdi-1 : lãi chậm đóng chưa trả hết tính đến tháng trước liền kề tháng tính lãi.


Điều 57. Truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN

1. Các trường hợp truy thu:

a) Đơn vị vi phạm các quy định của pháp luật về đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý buộc truy đóng hoặc do cơ quan BHXH kiểm tra và truy thu hoặc đơn vị có yêu cầu được truy thu:

- Không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

- Đóng không đúng thời gian quy định.

- Đóng không đúng mức quy định.

- Đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

b) Đơn vị hết thời hạn được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định của pháp luật, đơn vị điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH, BHYT của người lao động; người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài sau khi về nước truy đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

c) Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Điều kiện truy thu:

a) Đơn vị, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN.

b) Nộp đủ hồ sơ theo quy định.

3. Phân cấp truy thu

3.1. BHXH huyện.

a) Truy thu số tiền BHXH bắt buộc đối với các trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này thuộc địa bàn quản lý theo phân cấp, có thời gian truy thu thuộc năm tài chính. Riêng số tiền BHYT, BHTN thì truy thu toàn bộ thời gian chưa đóng. Các trường hợp còn lại chuyển BHXH tỉnh xem xét giải quyết.

b) Truy thu các trường hợp quy định tại Điểm b, c, Khoản 1 Điều này.

3.2. BHXH tỉnh

a) Truy thu số tiền BHXH bắt buộc các trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này, phát sinh kể từ ngày 01/01/2007, thuộc địa bàn quản lý theo phân cấp và các trường hợp BHXH huyện gửi về. Riêng số tiền BHYT, BHTN thì truy thu toàn bộ thời gian chưa đóng. Các trường hợp phát sinh trước ngày 01/01/2007 thì báo cáo BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết.

b) Truy thu đối với các trường hợp quy định tại Điểm b, c, Khoản 1 Điều này.

4. Tiền lương làm căn cứ truy thu, tỷ lệ truy thu:

4.1. Tiền lương làm căn cứ truy thu là tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật tương ứng thời gian truy thu. Tiền lương này được ghi trong sổ BHXH của người lao động.

4.2. Tỷ lệ truy thu: tính bằng tỷ lệ % đóng BHXH, BHYT, BHTN do Nhà nước quy định tương ứng thời gian truy thu.

5. Số tiền truy thu:

5.1. Số tiền truy thu Stt bằng tổng số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN và tiền lãi:

Stt = (2)

Trong đó:

Spdi: Số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN tháng i của đơn vị và người lao động tính theo tiền lương và tỷ lệ truy thu quy định tại Điểm 4.1 Khoản 4 Điều này.

v: số tháng truy thu

Ltt: Tiền lãi truy thu, bằng tổng tiền lãi tính trên số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN của từng tháng, tính theo công thức sau:

Ltt = (3)

Trong đó:

v : số tháng truy thu (ví dụ, truy thu 04 tháng: tháng 1, tháng 2 tháng 4 và tháng 5 năm 2011 thì v = 4)

Ltti : tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng tháng i theo nguyên tắc tính lãi gộp, theo công thức sau:

Ltti = Spdi x [(1+k)­­ni -1] = Spdi x [FVF(k, ni) - 1] (đồng) (4)

Trong đó:

Spdi : số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN tháng i

k (%/tháng): Lãi suất truy thu, tính bằng lãi suất chậm đóng theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 56 tại thời điểm tính tiền truy thu.

ni : Số tháng chưa đóng khoản tiền Spdi phải tính lãi (số lần nhập lãi), tính theo công thức sau:

ni = T0 - Ti

Trong đó: T0: tháng tính tiền truy thu (theo dương lịch).

Ti: tháng phát sinh số tiền phải đóng Spdi (tính theo dương lịch).

FVF(k, ni): Thừa số giá trị tương lai ở mức lãi xuất k% với ni kỳ hạn tính lãi.

Ví dụ: tính tiền truy thu tại tháng 11/2011 đối với số tiền chưa đóng của tháng 8/2011 thì ni = 11/2011 - 8/2011 = 3

Ví dụ về tính lãi truy thu:

Tháng 12/2011, truy thu đơn vị A khoản tiền chưa đóng BHXH trong 4 tháng: tháng 1, tháng 2, tháng 4 và tháng 5 năm 2011, số tiền phải đóng của từng tháng theo bảng dưới.

Giả định lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH tại thời điểm tháng 12/2011 là 1%/tháng.

Theo các công thức trên tính được tiền lãi truy thu như bảng sau:

Bảng tiền lãi truy thu BHXH:


Tháng phải truy thu
Số tiền BHXH phải đóng của từng tháng
(đồng)
Tiền lãi truy thu
Số tháng phải tính lãi (ni)
(tháng)
Thừa số giá trị tương lai
FVF(k, ni)
Tiền lãi truy thu
(đồng)
1
2
3
4
5 = (2) x [(4) -1]
01/2011
10.000.000
11
1,1157
1.157.000
02/2011
11.000.000
10
1,1046
1.150.600
03/2011
0,00
--
--
--
04/2011
11.000.000
8
1,0829
911.900
05/2011
12.000.000
7
1,0721
865.200
Tổng số
44.000.000
--

4.084.700

Tổng cộng: + Số tiền BHXH phải truy thu: 44.000.000 (đồng)

+ Số tiền lãi truy thu: 4.084.700 (đồng)

5.2. Trường hợp truy thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong vòng 12 tháng kể từ khi đơn vị hết thời hạn được tạm dừng đóng thì không tính lãi.



Mục 3

QUẢN LÝ PHÔI , CẤP PHÔI SỔ BHXH, PHÔI THẺ BHYT



Điều 58. Quy trình giao, nhận phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT

1. Tại BHXH Việt Nam:

1.1. Văn phòng:

a) Nhận phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT theo hợp đồng đã ký với nhà in:

- Kiểm tra số lượng, chất lượng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT. Trường hợp phôi sổ, thẻ không đúng chất lượng hoặc không đủ số lượng theo hợp đồng thì lập biên bản yêu cầu nhà in in bù.

- Lập 03 liên phiếu nhập kho ấn chỉ đặc biệt theo mẫu quy định tại chế độ kế toán BHXH: người giao giữ 01 liên, thủ kho giữ 01 liên, 01 liên cho phòng Tài vụ Văn phòng để ghi sổ kho và hạch toán kế toán theo quy định.

b) Chuyển phôi sổ BHXH, phôi thẻ BHYT cho BHXH tỉnh:

- Căn cứ thời điểm đề nghị cấp phát phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT của BHXH tỉnh ghi trong kế hoạch sử dụng phôi hàng năm của BHXH tỉnh đã được Tổng giám đốc phê duyệt, thông báo cho nhà in để thực hiện đóng gói và chuyển đến BHXH tỉnh, lập 03 liên phiếu xuất kho ấn chỉ đặc biệt theo mẫu quy định: gửi người nhận 01 liên, thủ kho giữ 01 liên, 01 liên chuyển cho phòng Tài vụ Văn phòng để ghi sổ kho và hạch toán kế toán theo quy định.

- Sau khi đã chuyển phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT đến BHXH tỉnh, chuyển 01 bản sao vận đơn gửi phôi sổ, thẻ cho Ban Cấp sổ, thẻ để theo dõi, đối chiếu tiến độ cấp phát phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT của BHXH tỉnh.

1.2. Ban Cấp sổ, thẻ: Hàng quý, thực hiện đối chiếu với Văn phòng số lượng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT đã chuyển cho BHXH tỉnh trong năm cấp phát.

2. Tại BHXH tỉnh:

2.1. Phòng Tổ chức hành chính hoặc Phòng Hành chính Tổng hợp (gọi chung là phòng TCHC):

a) Tiếp nhận, kiểm tra, xác định số lượng, chất lượng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT. Trường hợp phát hiện chất lượng phôi không đúng hoặc không đủ số lượng thì lập biên bản (có đại diện của các phòng: TCHC; Cấp sổ, thẻ; KHTC), gửi báo cáo về BHXH Việt Nam kèm theo phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT hỏng.

b) Nhập kho. Chuyển chứng từ cho phòng KHTC để lập 03 liên phiếu nhập kho ấn chỉ đặc biệt: lưu Phòng KHTC 01 liên, chuyển Phòng TCHC 01 liên để ghi sổ kho và gửi Văn phòng BHXH Việt Nam 01 liên.

c) Cấp phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT cho phòng Cấp sổ, thẻ và BHXH huyện theo phiếu xuất kho của Phòng KHTC.

2.2. Phòng KHTC:

Căn cứ kế hoạch phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT đã được Giám đốc BHXH tỉnh phê duyệt, lập 03 liên phiếu xuất kho ấn chỉ đặc biệt: lưu 01 liên tại Phòng KHTC, chuyển 01 liên cho đơn vị nhận phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT và 01 liên chuyển Phòng TCHC để ghi sổ kho và thực hiện cấp phát, hạch toán kế toán theo quy định.

2.3. Phòng Cấp sổ, thẻ:

a) Căn cứ nhu cầu sử dụng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT để cấp phôi cho từng cán bộ phụ trách công tác in sổ BHXH, thẻ BHYT tại phòng Cấp sổ, thẻ. Khi cấp phát và sử dụng phải viết phiếu giao nhận hồ sơ (mẫu C09-TS). Đối với phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT do in hỏng hoặc phôi thẻ BHYT lẻ chưa sử dụng, sau mỗi lần in từng cán bộ phụ trách công tác in sổ BHXH, thẻ BHYT phải cập nhật vào chương trình quản lý để in Phiếu sử dụng phôi bìa sổ BHXH (mẫu C06-TS) và phiếu sử dụng phôi thẻ BHYT (mẫu C07-TS).

b) Định kỳ hàng quý, tổng hợp tình hình sử dụng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT trên địa bàn toàn tỉnh gửi Ban Cấp sổ, thẻ BHXH Việt Nam.

3. Tại BHXH huyện: Bộ phận TCHC:

3.1. Tiếp nhận, kiểm tra, xác định số lượng, chất lượng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT. Trường hợp phát hiện chất lượng phôi không đúng hoặc không đủ số lượng thì lập biên bản (có đại diện của bộ phận TCHC; Cấp sổ, thẻ; KHTC), gửi báo cáo về BHXH tỉnh kèm theo phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT hỏng.

3.2. Nhập kho. Chuyển chứng từ cho bộ phận KHTC để lập 03 liên phiếu nhập kho ấn chỉ đặc biệt: lưu bộ phận KHTC 01 liên, chuyển bộ phận TCHC 01 liên để ghi sổ kho và gửi phòng TCHC 01 liên.

3.3. Căn cứ nhu cầu sử dụng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT, thực hiện cấp phát phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT cho bộ phận in sổ BHXH, thẻ BHYT. Khi cấp phát và sử dụng phải viết phiết giao nhận (mẫu C13-TS). Đối với phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT do in hỏng hoặc phôi thẻ BHYT lẻ chưa sử dụng, sau mỗi lần in từng cán bộ phụ trách công tác in sổ BHXH, thẻ BHYT phải cập nhật vào chương trình quản lý.

3.4. Phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT do in hỏng lưu tại bộ phận tổ chức hành chính trong thời hạn 02 năm chuyển BHXH tỉnh kèm theo Phiếu sử dụng phôi sổ thẻ.

Điều 59. Kiểm kê, quyết toán phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT

1. Kiểm kê phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT:

a) Ngày 10 hàng tháng hoặc sau đợt phát hành thẻ với số lượng lớn, cán bộ in thẻ BHYT thực hiện đối chiếu, quyết toán phôi thẻ của tháng trước với cán bộ được phân công quản lý phôi thẻ của phòng (bộ phận) Cấp sổ, thẻ, xác định các chỉ tiêu: số lượng phôi tồn đầu tháng; số lượng phôi nhận trong tháng; số lượng đã sử dụng trong tháng; số lượng còn tồn tại thời điểm cuối tháng, trong đó: số lượng phôi lẻ còn tồn.

b) Hằng quý, năm, BHXH tỉnh (phòng Cấp sổ thẻ, phòng TCHC, phòng KHTC), BHXH huyện (bộ phận Cấp sổ thẻ, bộ phận TCHC, bộ phận KHTC) thực hiện kiểm kê để xác nhận số lượng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT còn tồn kho thực tế (phôi thẻ ghi rõ số serial) và chênh lệch thừa thiếu so với sổ sách kế toán, lập Biên bản theo mẫu quy định tại Chế độ kế toán BHXH.

2. Quyết toán phôi thẻ:

a) Hàng quý BHXH tỉnh quyết toán phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT với BHXH huyện;

b) Hàng năm BHXH Việt Nam quyết toán phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT với BHXH tỉnh.

3. Hủy phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT:

3.1. BHXH tỉnh lập Hội đồng hủy sổ BHXH, thẻ BHYT: Giám đốc BHXH tỉnh làm Chủ tịch, đại diện các phòng TCHC; Cấp sổ, thẻ; KHTC và phòng Kiểm tra làm ủy viên.

3.2. Định kỳ trước ngày 15/2 hằng năm, tổ chức hủy sổ BHXH, thẻ BHYT in hỏng của toàn tỉnh sau 02 năm lưu trữ; khi hủy sổ BHXH, thẻ BHYT phải kiểm đếm, đối chiếu với Phiếu sử dụng phôi bìa sổ BHXH và phôi thẻ BHYT, đồng thời lập biên bản hủy sổ BHXH, thẻ BHYT (mẫu C10-TS).

Riêng phôi sổ, thẻ hỏng do lỗi nhà in không được huỷ, phải lập biên bản chuyển về BHXH Việt Nam để in bù.



Mục 4

CẤP VÀ QUẢN LÝ SỔ BHXH



Điều 60. Cấp sổ BHXH lần đầu

Người tham gia BHXH, BHTN lần đầu và người lao động theo quy định tại Điều 26 được cơ quan BHXH cấp sổ BHXH để ghi nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN.

Điều 61. Cấp lại sổ BHXH

Người tham gia BHXH, BHTN được cấp lại sổ BHXH trong các trường hợp bị mất, hỏng hoặc thay đổi, cải chính họ tên, ngày tháng năm sinh đã ghi trong sổ BHXH. Trường hợp cơ quan BHXH làm mất hoặc hỏng sổ BHXH thì cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp lại sổ BHXH, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH, BHTN. Sổ BHXH thu hồi phải lưu cùng hồ sơ cấp lại sổ BHXH.

Điều 62. Ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN trong sổ BHXH

1. Nội dung ghi trong sổ BHXH phải đầy đủ theo từng giai đoạn tương ứng với mức đóng và điều kiện làm việc của người tham gia BHXH, BHTN (kể cả thời gian nghỉ ốm trên 14 ngày và nghỉ thai sản), cụ thể:

a) Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức tiền lương theo ngạch, bậc và phụ cấp chức vụ thì ghi hệ số lương; phụ cấp thâm niên nghề, thâm niên vượt khung (nếu có) thì ghi tỷ lệ (%).

b) Người lao động hưởng tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động quyết định thì ghi số tiền Việt Nam đồng, kể cả người hưởng lương bằng ngoại tệ.

c) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong Công ty Nhà nước chuyển thành Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước từ hai thành viên trở lên đóng BHXH theo tiền lương do Nhà nước quy định nêu tại Khoản 3 Điều 54 thì ghi hệ số lương như đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

d) Người lao động hoặc thân nhân người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hoặc tử tuất thì phải ghi đầy đủ thời gian (từ tháng năm ... đến ... tháng năm) và nội dung đóng.

đ) Trường hợp đơn vị còn nợ tiền đóng BHXH, BHTN của kỳ trước (theo thời hạn và phương thức đóng) thì ghi, xác nhận đến thời điểm người lao động ngừng việc. Nếu số tiền đơn vị nợ lớn hơn số tiền phải đóng của một kỳ đóng thì đơn vị phải có văn bản cam kết gửi cơ quan BHXH, ghi rõ thời hạn đóng đủ số tiền còn nợ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Giám đốc BHXH tỉnh căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để giải quyết.

e) Khi điều chỉnh giảm thời gian hoặc mức đóng BHXH đã ghi trong sổ BHXH, phải ghi cụ thể nội dung điều chỉnh và xác nhận tổng thời gian đã đóng BHXH, BHTN.

2. Sổ BHXH được xác nhận bảo lưu thời gian tham gia BHXH, BHTN, giải quyết chế độ trợ cấp 01 lần, hưu trí, tử tuất thì dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN và danh sách người hưởng chế độ BHXH được chuyển về Trung tâm Thông tin BHXH Việt Nam, cụ thể:

a) Phòng hoặc bộ phận Cấp sổ, thẻ chuyển danh sách người bảo lưu thời gian đóng BHXH, BHTN; Phòng hoặc bộ phận Chế độ BHXH chuyển danh sách người hưởng chế độ BHXH về phòng CNTT.

b) Phòng CNTT chuyển dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN của người tham gia, người hưởng chế độ BHXH về Trung tâm Thông tin BHXH Việt Nam.

c) Trung tâm Thông tin BHXH Việt Nam tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung để BHXH tỉnh, BHXH huyện tra cứu đối với người lao động tăng mới đã có quá trình đóng BHXH, BHTN, cấp lại sổ BHXH và giải các quyết chế độ BHXH.

3. Người tham gia BHXH đã có Quyết định hưởng các chế độ BHXH, sau đó có đề nghị điều chỉnh lại mức hưởng do nội dung ghi trong sổ BHXH không đúng, thì cơ quan BHXH nơi lưu giữ sổ BHXH có trách nhiệm điều chỉnh.

Điều 63. Xử lý một số tồn tại trong công tác cấp sổ BHXH

1. Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, sau đó hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới. Số sổ BHXH cấp lại là số của sổ BHXH có thời gian tham gia BHXH sớm nhất.

2. Một người có từ 02 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH trùng nhau thì cơ quan BHXH hướng dẫn người lao động lựa chọn 01 sổ BHXH để tiếp tục ghi quá trình đóng BHXH, BHTN hoặc giải quyết các chế độ BHXH, BHTN. Các sổ BHXH còn lại thu hồi và thực hiện hoàn trả cho đơn vị, người lao động theo quy định tại Điểm 3.3, Khoản 3 Điều 48. Trường hợp sổ BHXH bị thu hồi mà đơn vị đề nghị cấp sổ BHXH đã giải thể thì thực hiện giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho người lao động. Khi thu hồi sổ BHXH, đồng thời phải thu hồi các khoản trợ cấp BHXH đã chi trả trước đó (nếu có).

3. Số sổ BHXH hủy do gộp sổ BHXH phải chuyển về Trung tâm Thông tin BHXH Việt Nam tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung để BHXH tỉnh, BHXH huyện tra cứu khi xác nhận và giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

4. Một số sổ BHXH được cấp cho 2 hay nhiều người thì cơ quan BHXH giữ lại số sổ BHXH đã cấp cho người có thời gian tham gia BHXH nhiều nhất, các sổ BHXH còn lại thì thu hồi và cấp lại sổ theo số sổ mới.

5. Sổ BHXH đã xác nhận thời gian đóng BHXH nhưng người lao động không nhận thì sau 12 tháng kể từ khi xác nhận sổ đơn vị phải chuyển cho cơ quan BHXH để lưu trữ. Khi người lao động có yêu cầu thì trả lại sổ BHXH cho người lao động.

6. Đối với người đã được cơ quan BHXH cấp giấy xác nhận thời gian đóng BHTN chưa hưởng (mẫu số C15-TS): Trường hợp Nhà nước có điều chỉnh điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu người tham gia có yêu cầu thì nộp giấy xác nhận cho cơ quan BHXH nơi thường trú hoặc tạm trú để cấp lại bìa sổ BHXH, tờ rời sổ in thời gian đóng BHTN chưa hưởng làm căn cứ giải quyết.



Mục 5

CẤP VÀ QUẢN LÝ THẺ BHYT



Điều 64. Thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT

1. Trẻ em dưới 6 tuổi: thời hạn sử dụng tối đa 06 năm, đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi.

2. Người tham gia BHYT quy định tại Điểm 1.3, 1.4, 1.5, 1.6, Khoản 1 Điều 15 và người cao tuổi tham gia BHYT theo quy định của pháp luật: thời hạn sử dụng không quá 5 năm kể từ ngày đóng BHYT đến ngày 30/6 năm thứ 4 sau năm cấp thẻ.

3. Người tham gia BHYT nêu tại Điểm 1.9, 1.10, 1.11, 1.15, 1.16, 1.18, 1.25, Khoản 1 Điều 15 và sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân: thời hạn sự dụng không quá 03 năm kể từ ngày đóng BHYT đến ngày 31/12 năm thứ 2 sau năm cấp thẻ.

4. Người tham gia BHYT nêu tại Điểm 1.1, 1.13, 1.23, Khoản 1 Điều 15 (trừ người cao tuổi): thời hạn sự dụng không quá 02 năm kể từ ngày đóng BHYT đến ngày 31/12 năm thứ nhất sau năm cấp thẻ.

5. Người tham gia BHYT tại Điểm 1.14, 1.20, 1.21, 1.22, 1.24, Khoản 1 Điều 15 và Khoản 1 Điều 16: thời hạn sử dụng tương ứng thời hạn đóng tiền.

6. Thẻ BHYT có thời hạn sử dụng khác:

a) Hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và thân nhân của họ; thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân: thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo thời hạn phục vụ kể từ ngày đăng ký cấp thẻ đến ngày hết thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, chiến sĩ.

b) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp: thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày hưởng trợ cấp đến ngày chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 87 Luật BHXH.

c) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đương nhiệm các cấp: thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo nhiệm kỳ bầu cử kể từ ngày đăng ký cấp thẻ đến ngày kết thúc nhiệm kỳ.

d) Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ Ngân sách của Nhà nước Việt Nam: thời hạn sử dụng thẻ BHYT theo thời hạn khóa học kể từ ngày đăng ký cấp thẻ BHYT đến ngày hết thời hạn khoá học.

7. Việc cấp lại thẻ do mất, đổi thẻ (do rách hỏng, điều chỉnh thông tin, thay đổi quyền lợi, nơi khám chữa bệnh ban đầu) thì thời hạn sử dụng ghi như thẻ đã mất, đổi.

Điều 65. Thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng.

1. Người lao động cùng đóng BHXH, BHYT: thời hạn sử dụng ghi trên thẻ từ ngày đầu của tháng đóng BHYT.

2. Người có trách nhiệm tham gia BHYT và người tự nguyện tham gia BHYT đóng liên tục từ lần thứ hai trở đi theo quy định của cơ quan BHXH: thời hạn sử dụng ghi trên thẻ từ ngày đóng BHYT.

3. Người tự nguyện tham gia BHYT đóng BHYT lần đầu hoặc đóng BHYT không liên tục: thời hạn sử dụng ghi trên thẻ sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.

Để thẻ BHYT có giá trị sử dụng liên tục, trước khi thẻ BHYT hết thời hạn sử dụng 10 ngày, người tự nguyện tham gia BHYT phải đóng tiền cho đại lý thu hoặc đóng trực tiếp tại BHXH huyện.

4. Trẻ em dưới 6 tuổi: thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày đăng ký tham gia BHYT đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi.

Điều 66. Quản lý sử dụng thẻ BHYT

1. Thẻ BHYT cấp cho người tham gia BHYT và làm căn cứ để người tham gia BHYT được hưởng các quyền lợi theo quy định của Luật BHYT.

Thẻ BHYT không có giá trị sử dụng trong các trường hợp:

a) Đã hết thời hạn sử dụng.

b) Bị sửa chữa, tẩy xoá.

c) Người có tên trên thẻ BHYT không tiếp tục tham gia BHYT.

d) Thẻ BHYT không do cơ quan BHXH cấp.

2. Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu được ghi trong thẻ BHYT.

a) Người tham gia BHYT được đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương; trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Người lao động làm việc lưu động tại địa bàn tỉnh ngoài nơi đăng ký đóng BHYT thì được đăng ký khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh theo đúng tuyến nơi người lao động làm việc; Người tham gia BHYT cư trú trên địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh hoặc huyện thì được đăng ký khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh cùng tuyến thuộc huyện giáp ranh trên địa bàn tỉnh khác hoặc huyện khác trong tỉnh. BHXH tỉnh nơi thu tiền, cấp thẻ BHYT cho người tham gia BHYT.

b) Người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý.

3. Một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì đóng BHYT theo quy định tại Điểm 2.12, Khoản 2 Điều 15 nhưng được cấp thẻ BHYT theo đối tượng có mã quyền lợi cao nhất của người đó.

4. Thẻ cấp lại do bị mất chỉ được thay đổi thông tin về nhân thân và nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu sau 12 tháng kể từ ngày cấp lại.

5. Không cấp lại thẻ BHYT đối với các trường hợp sau đây:

a) Thẻ bị tạm giữ do chưa thanh toán đủ chi phí khám, chữa bệnh theo quy định với cơ sở khám, chữa bệnh.

b) Thẻ bị tạm giữ do cho người khác mượn thẻ BHYT đi khám chữa bệnh.

6. Thẻ bị tạm giữ trong các trường hợp nêu tại Khoản 5 Điều này phải chuyển về BHXH tỉnh nơi cấp thẻ. Người có thẻ BHYT phải đến cơ quan BHXH nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật, nộp đủ chi phí khám, chữa bệnh chưa thanh toán cho cơ sở khám, chữa bệnh.

7. Thẻ BHYT in hỏng và thẻ BHYT thu hồi (trừ thẻ BHYT tạm giữ) phải được cắt góc. Riêng thẻ BHYT thu hồi được lưu cùng hồ sơ thu, hồ sơ đổi thẻ BHYT.

8. Người tự nguyện tham gia BHYT, người được ngân sách hỗ trợ một phần mức đóng BHYT khi di chuyển sang địa bàn tỉnh khác, huyện khác khi đi khám chữa bệnh thì xuất trình thẻ BHYT kèm theo giấy khai báo tạm trú tạm vắng hoặc sổ hộ khẩu.



Mục 6

KIỂM TRA TẠI ĐƠN VỊ THAM GIA BHXH, BHYT



Điều 67. Kiểm tra việc kê khai đóng BHXH, BHYT và bảo quản sổ BHXH tại đơn vị tham gia BHXH, BHYT

Hàng năm BHXH tỉnh, BHXH huyện tổ chức kiểm tra tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN và quản lý sổ BHXH đối với các đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn.

1. Nội dung kiểm tra gồm: Tình hình đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN: số lao động, hồ sơ tham gia, tiền lương, tiền công đóng BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị, người lao động; quản lý sổ BHXH.

2. Kế hoạch và phương pháp kiểm tra.

2.1. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương và kế hoạch kiểm tra do BHXH Việt Nam giao hàng năm, BHXH tỉnh, BHXH huyện lập kế hoạch kiểm tra đối với các đơn vị đang tham gia BHXH, BHYT; Báo cáo UBND cùng cấp để có kế hoạch phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hoặc thành lập đoàn kiểm tra để tổ chức thực hiện.

2.2. Phương pháp kiểm tra:

2.2.1. Căn cứ hồ sơ đăng ký và hồ sơ điều chỉnh của đơn vị gửi cơ quan BHXH trong quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN, các thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT của đơn vị và người lao động do cơ quan BHXH gửi hàng tháng, hàng năm để kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ, chứng từ đóng BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị như danh sách lao động trong biên chế của đơn vị, danh sách trả lương, hợp đồng lao động, các quyết định của đơn vị đối với người lao động; các chứng từ chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN; kiểm tra thực tế việc bảo quản sổ BHXH tại đơn vị.

2.2.2. Lập biên bản về tình hình đóng BHXH, BHYT, BHTN và quản lý sổ BHXH của đơn vị.

2.2.3. Giải thích, hướng dẫn đơn vị khắc phục các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH theo đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp đơn vị kê khai thiếu lao động hoặc kê khai nhầm mức tiền lương, tiền công của người lao động thì yêu cầu đơn vị kê khai điều chỉnh và đóng theo đúng quy định.

Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT như trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN; đóng không đúng tiền lương, tiền công của người lao động, thu tiền của người lao động nhưng không đóng, đóng không kịp thời, đóng không đủ số tiền phải đóng thì yêu cầu đơn vị truy đóng đủ cho người lao động, đồng thời báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tags: , , , ,

MINH TRÍ

Đọc giả thân mến! Những bài viết trong Blog Tri Thức Kế Toán nhằm mục đích cho nhật ký cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện ghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Lê Minh Trí.

HƯỚNG DẪN CÁCH VIẾT BÌNH LUẬN
1. Sử dụng tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Tên/URL-Website [có thể bỏ trống URL], hoặc Ẩn danh [Anonymous] để đưa ra comment [bình luận], nếu muốn.
2. Vui lòng đăng bình luận hòa nhã, đúng mực và cố gắng gõ tiếng Việt có dấu nếu có thể. MINH TRÍ rất vui vì những bình luận thiện chí mang tính xây dựng. Xin chân thành cảm ơn!

0 nhận xét

Leave a Reply