Ảnh mang tính minh họa |
Phụ lục 4
HƯỚNG DẪN LẬP HÓA ĐƠN BÁN
HÀNG HÓA,
DỊCH VỤ ĐỐI VỚI MỘT SỐ
TRƯỜNG HỢP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính)
1. Tổ
chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu
trừ thuế khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ phải sử dụng hoá đơn GTGT. Khi lập
hoá đơn, tổ chức, cá nhân phải ghi đầy đủ, đúng các yếu tố quy định trên hoá
đơn. Trên hoá đơn GTGT phải ghi rõ giá bán chưa có thuế GTGT, phụ thu và phí
tính ngoài giá bán (nếu có), thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế.
Tổ
chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính
trực tiếp trên GTGT, phương pháp khoán khi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ phải
sử dụng hoá đơn bán hàng.
2.
Trong một số trường hợp việc sử dụng và ghi hóa đơn, chứng từ được thực hiện cụ
thể như sau:
2.1.
Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế bán
hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng được miễn
thuế GTGT thì sử dụng hóa đơn GTGT, trên hoá đơn GTGT chỉ ghi dòng giá bán là
giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.
Trường
hợp tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế
nhưng có hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý nộp thuế GTGT theo phương pháp
trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng cho hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá
quý.
2.2. Tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu là đối tượng nộp thuế GTGT
theo phương pháp khấu trừ thuế nhận nhập khẩu hàng hoá uỷ thác cho các cơ sở
khác, khi trả hàng cơ sở nhận uỷ thác lập chứng từ như sau:
Cơ
sở nhận nhập khẩu uỷ thác khi xuất trả hàng nhập khẩu uỷ thác, nếu đã nộp thuế
GTGT ở khâu nhập khẩu, cơ sở lập hoá đơn GTGT để cơ sở đi uỷ thác nhập khẩu làm
căn cứ kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá uỷ thác nhập khẩu.
Trường hợp cơ sở nhận nhập khẩu uỷ thác chưa nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu,
khi xuất trả hàng nhập khẩu uỷ thác, cơ sở lập phiếu xuất kho kiêm vận chuyển
nội bộ kèm theo lệnh điều động nội bộ theo
quy định làm chứng từ lưu thông hàng hoá trên thị trường. Sau khi đã nộp
thuế GTGT ở khâu nhập khẩu cho hàng hoá nhập khẩu uỷ thác, cơ sở mới lập hoá
đơn theo quy định trên.
Hoá đơn GTGT xuất trả hàng nhập khẩu uỷ thác ghi:
(a) Giá bán chưa có thuế GTGT bao gồm: giá trị hàng hoá
thực tế nhập khẩu theo giá CIF, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và các
khoản phải nộp theo chế độ quy định ở khâu nhập khẩu (nếu có).
(b) Thuế suất thuế GTGT và
tiền thuế GTGT ghi theo số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu.
(c)
Tổng cộng tiền thanh toán (= a + b)
Cơ sở nhận nhập khẩu uỷ thác lập hoá đơn
GTGT riêng để thanh toán tiền hoa hồng uỷ thác nhập khẩu.
2.3. Trường
hợp tổ chức, cá nhân xuất khẩu tự in hoặc đặt in hóa đơn xuất khẩu để sử dụng
khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu sử dụng hóa đơn
xuất khẩu tự in hoặc đặt in để kê khai, nộp thuế, hoàn thuế.
Khi xuất hàng hoá để vận chuyển đến cửa
khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận
chuyển nội bộ kèm Lệnh điều động nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông
hàng hoá trên thị trường.
Trường hợp uỷ thác xuất khẩu hàng hoá,
khi xuất hàng giao cho cơ sở nhận uỷ thác, cơ sở có hàng hoá uỷ thác xuất khẩu
sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ. Khi hàng hoá đã thực xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan, căn cứ vào
các chứng từ đối chiếu, xác nhận về số lượng, giá trị hàng hoá thực tế xuất
khẩu của cơ sở nhận uỷ thác xuất khẩu, cơ sở có hàng hoá uỷ thác xuất khẩu lập
hoá đơn GTGT để kê khai nộp thuế, hoàn thuế GTGT. Cơ sở nhận uỷ thác xuất khẩu
sử dụng hóa đơn xuất khẩu để xuất cho khách hàng nước ngoài.
2.4.
Sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá, dịch vụ khuyến mại, quảng cáo, hàng
mẫu, cho, biếu, tặng và tiêu dùng nội bộ đối với tổ chức, cá nhân kê khai, nộp
thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
a)
Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu phục vụ cho
sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ dùng để
khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt
động xúc tiến thương mại) thì phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi tên và số
lượng hàng hoá, ghi rõ là hàng khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu không thu tiền;
dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo.
b)
Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho
người lao động và tiêu dùng nội bộ thì phải lập hoá đơn GTGT (hoặc hoá đơn bán
hàng), trên hoá đơn ghi đầy đủ các chỉ tiêu và tính thuế GTGT như hoá đơn xuất
bán hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.
2.5. Hàng
hoá, dịch vụ áp dụng hình thức giảm giá bán, chiết khấu thương mại dành cho
khách hàng thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã giảm, đã chiết khấu thương mại
dành cho khách hàng, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Nếu
việc giảm giá bán, chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng
hoá, dịch vụ thì số tiền giảm giá, chiết khấu của hàng hoá đã bán được tính
điều chỉnh trên hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ
tiếp sau. Trường hợp số tiền giảm giá, chiết khấu được lập khi kết thúc chương
trình (kỳ) giảm giá, chiết khấu hàng bán thì được lập hoá đơn điều chỉnh kèm
bảng kê các số hoá đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ
vào hoá đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua,
bán, thuế đầu ra, đầu vào.
2.6. Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương
pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hoá cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như
các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với
nhau; xuất hàng hoá cho cơ sở nhận làm đại lý bán đúng giá, hưởng hoa hồng, căn
cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa
chọn một trong hai cách sử dụng hoá đơn, chứng từ như sau:
a)
Sử dụng hoá đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng
đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;
b)
Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ;
Sử dụng Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý theo quy định đối với hàng hoá xuất
cho cơ sở làm đại lý kèm theo Lệnh điều động nội bộ.
Cơ sở hạch toán phụ thuộc,
chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng khi bán hàng phải lập hóa
đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi
về cơ sở có hàng hóa điều chuyển hoặc cơ sở có hàng hoá gửi bán (gọi chung là
cơ sở giao hàng) để cơ sở giao hàng lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu
thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại
lý bán hàng.
Trường
hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hoá bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho
05 ngày hay 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hoá bán ra có thuế suất thuế GTGT
khác nhau phải lập bảng kê riêng cho hàng hoá bán ra theo từng nhóm thuế suất.
Cơ
sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng, cơ sở nhận làm đại lý bán hàng thực
hiện kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê
khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT của cơ sở giao hàng xuất
cho.
2.7. Tổ chức, cá nhân làm đại lý thu mua hàng hóa theo các
hình thức khi trả hàng hóa cho cơ sở uỷ thác thu mua phải lập hóa đơn cho hàng
hóa thu mua đại lý và hoa hồng được hưởng (nếu có).
2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá
đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không
đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất
hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng
hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT.
Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả
lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số
lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo
hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên
bán thu hồi hóa đơn đã lập.
2.9.
Tổ chức, cá nhân xuất hàng hoá bán lưu động sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận
chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ theo quy định, khi bán hàng cơ sở
lập hoá đơn theo quy định.
2.10.
Cơ sở xây dựng có công trình xây dựng, lắp đặt mà thời gian thực hiện dài, việc
thanh toán tiền thực hiện theo tiến độ hoặc theo khối lượng công việc hoàn
thành bàn giao, phải lập hoá đơn thanh toán khối lượng xây lắp bàn giao. Hóa
đơn GTGT phải ghi rõ doanh thu chưa có thuế và thuế GTGT. Trường hợp công trình xây dựng hoàn thành đã
lập hóa đơn thanh toán giá trị công trình nhưng khi duyệt quyết toán giá trị
công trình XDCB có điều chỉnh giá trị khối lượng xây dựng phải thanh toán thì
lập hóa đơn, chứng từ điều chỉnh giá trị công trình phải thanh toán.
2.11.
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng,
xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện
dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì khi thu tiền, tổ chức, cá
nhân phải lập hóa đơn GTGT. Trên hóa đơn ghi rõ số tiền thu, giá đất được giảm
trừ trong doanh thu tính thuế GTGT, thuế suất thuế GTGT, số thuế GTGT.
2.12.
Tổ chức cho thuê tài chính cho thuê tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT phải
lập hoá đơn theo quy định.
Tổ chức cho thuê tài chính
cho thuê tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT phải có hoá đơn GTGT (đối với
tài sản mua trong nước) hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu (đối với
tài sản nhập khẩu); tổng số tiền thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT phải khớp với
số tiền thuế GTGT ghi trên hoá đơn GTGT (hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập
khẩu).
Các trường hợp tài sản mua
để cho thuê không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, không có hoá đơn GTGT hoặc
chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu thì không được ghi thuế GTGT trên hoá
đơn.
Việc lập hóa đơn như sau:
- Trường hợp tổ chức cho
thuê tài chính chuyển giao toàn bộ số thuế GTGT ghi trên hóa đơn tài sản mua
cho thuê tài chính cho bên đi thuê tài chính được kê khai khấu trừ một lần thuế
GTGT đầu vào của tài sản cho thuê tài chính, tổ chức cho thuê tài chính lập hóa
đơn cho bên đi thuê để làm căn cứ khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:
Trên hóa đơn GTGT thu tiền
lần đầu của dịch vụ cho thuê tài chính, tổ chức cho thuê tài chính ghi rõ:
thanh toán dịch vụ cho thuê tài chính và thuế GTGT đầu vào của tài sản cho thuê
tài chính, dòng tiền hàng ghi giá trị dịch vụ cho thuê tài chính (không bao gồm
thuế GTGT của tài sản), dòng thuế suất không ghi và gạch chéo, dòng tiền thuế
GTGT ghi đúng số thuế GTGT đầu vào của tài sản cho thuê tài chính.
- Xử lý lập hóa đơn khi hợp
đồng chấm dứt trước thời hạn:
+ Thu hồi tài sản cho thuê
tài chính: Trường hợp tổ chức cho thuê tài chính và bên đi thuê lựa chọn khấu
trừ toàn bộ số thuế GTGT của tài sản cho thuê, bên đi thuê điều chỉnh thuế GTGT
đã khấu trừ tính trên giá trị còn lại chưa có thuế GTGT xác định theo biên bản
thu hồi tài sản để chuyển giao cho tổ chức cho thuê tài chính. Trên hóa đơn
GTGT ghi rõ: xuất trả tiền thuế GTGT của tài sản thu hồi; dòng tiền hàng, dòng
thuế suất không ghi và gạch bỏ; dòng tiền thuế ghi số tiền thuế GTGT tính trên
giá trị còn lại chưa có thuế GTGT xác định theo biên bản thu hồi tài sản.
+ Bán tài sản thu hồi: Tổ
chức cho thuê tài chính khi bán tài sản thu hồi phải lập hóa đơn GTGT theo quy
định giao cho khách hàng.
2.13. Tổ chức, cá nhân có hoạt động mua, bán ngoại tệ phát
sinh ở nước ngoài lập Bảng kê chi tiết doanh số mua bán theo từng loại ngoại
tệ. Cơ sở phải lưu giữ các chứng từ giao dịch với bên mua, bán ở nước ngoài
theo đúng pháp luật về kế toán. Các hoạt động mua, bán ngoại tệ phát sinh ở
trong nước phải lập hoá đơn theo quy định.
2.14.
Tổ chức, cá nhân mua, bán vàng, bạc, đá quý nếu mua của cá nhân không kinh
doanh, không có hoá đơn thì lập Bảng kê hàng hoá mua vào theo mẫu số 01/TNDN
(Ban hành kèm theo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh
nghiệp)
2.15. Hoá đơn, chứng từ đối với tài sản góp vốn, tài sản
điều chuyển được thực hiện như sau:
a)
Bên có tài sản góp vốn là cá nhân, tổ chức không kinh doanh:
a.1.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công
ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là
biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản.
a.2.
Trường hợp cá nhân dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, giá trị quyền sử dụng
đất để thành lập doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư thì không phải làm thủ
tục chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tư
nhân, trường hợp không có chứng từ hợp pháp chứng minh giá vốn của tài sản thì
phải có văn bản định giá tài sản của tổ chức định giá theo quy định của pháp
luật để làm cơ sở hạch toán giá trị tài sản cố định.
b)
Bên có tài sản góp vốn, có tài sản điều chuyển là tổ chức, cá nhân kinh doanh:
b.1.
Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh,
hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận
vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng
định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.
b.2.
Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong tổ
chức, cá nhân; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển
đổi loại hình doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân có tài sản điều chuyển phải có
lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải
xuất hoá đơn.
Trường
hợp tài sản điều chuyển giữa các đơn vị hạch toán độc lập hoặc giữa các đơn vị
thành viên có tư cách pháp nhân đầy đủ trong cùng một tổ chức, cá nhân thì tổ
chức, cá nhân có tài sản điều chuyển phải lập hoá đơn GTGT theo quy định.