BỘ TÀI CHÍNH
Số: 62
/2009/TT-BTC
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2009
|
THÔNG TƯ
Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC
ngày 30/9/2008
của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số
100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Nghị định số
100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật thuế TNCN;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Tài chính;
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu
tại công văn số 502/VPCP - KTTH ngày 20/01/2009 và công văn số 869/VPCP-KTTH ngày
12/02/2009 của Văn phòng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện thuế thu nhập cá
nhân;
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số
84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu
nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008
của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (sau
đây gọi tắt là Thông tư 84/2008/TT-BTC) như sau:
Điều 1. Bổ sung vào khoản 2, mục II, phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC như
sau:
1. Bổ sung vào tiết 2.1.5 các khoản thu nhập không
tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú như sau:
a) Khoản trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người
nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam. Mức trợ cấp được tính trừ căn cứ trên hợp
đồng lao động hoặc thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
b) Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do đơn vị sử
dụng lao động chi trả hộ (hoặc thanh toán)
cho người lao động là người nước ngoài về phép mỗi năm một lần. Căn cứ để xác định
là hợp đồng lao động và giá ghi trên vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người
nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia gia đình người nước ngoài sinh sống và
ngược lại.
c) Khoản tiền học phí cho con của người nước ngoài
học tại Việt Nam theo bậc học phổ thông do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ căn
cứ vào hợp đồng lao động và chứng từ nộp tiền học.
2. Hướng dẫn cụ thể tiết 2.1.5 như sau: Đối với các
khoản lợi ích khác mà người lao động được hưởng thì chỉ tính vào thu nhập chịu
thuế đối với các trường hợp xác định được đối tượng được hưởng; không tính vào
thu nhập chịu thuế của cá nhân đối với các khoản lợi ích không xác định được cụ
thể người được hưởng. Cụ thể trong một số trường hợp như sau:
a) Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động
chi trả hộ: tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế chi trả hộ nhưng không
vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà).
b) Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa
đón tập thể người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không
tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động; trường hợp chỉ chuyên đưa đón riêng
từng cá nhân thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân được đưa đón.
c) Đối với các khoản phí hội viên như thẻ hội viên
sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt các câu lạc bộ văn hoá nghệ thuật, thể dục
thể thao... nếu ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì tính vào
thu nhập chịu thuế của từng cá nhân sử dụng. Trường hợp được sử dụng chung,
không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập
chịu thuế.
d) Đối với các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho
cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí thẩm
mỹ... nếu chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng thì tính vào thu nhập chịu thuế
của cá nhân. Trường hợp không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập
thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
đ) Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao
trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn của
người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính
vào thu nhập của người lao động. Trường hợp đào tạo không đúng chuyên môn
nghiệp vụ hoặc không nằm trong kế hoạch của đơn vị thì phải tính vào thu nhập
chịu thuế của người lao động.
e) Đối với khoản tiền ăn giữa ca: không tính vào
thu nhập chịu thuế của người lao động nếu người sử dụng lao động trực tiếp tổ
chức bữa ăn giữa ca cho người lao động.
Trường hợp, đơn vị chi trả thu nhập không trực tiếp
tổ chức bữa ăn ca mà chi tiền ăn ca trực tiếp cho người lao động thì không tính
vào thu nhập chịu thuế thuế của người lao động nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn
của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trường hợp chi cao hơn mức hướng dẫn của
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập
chịu thuế của người lao động.
Mức chi cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước
và các tổ chức, đơn vị được phép hoạt động kinh doanh thuộc cơ quan hành chính
sự nghiệp, đảng, đoàn thể, các hội không quá mức quy định của Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp ngoài
nhà nước và các tổ chức khác, mức chi do thủ trưởng đơn vị thống nhất với
chủ tịch công đoàn quyết định nhưng mức tối đa cũng không vượt quá mức áp dụng đối
với doanh nghiệp nhà nước.
f) Đối với khoản khoán chi văn phòng phẩm, công
tác phí, điện thoại, trang phục,... không tính vào thu nhập chịu thuế nếu mức
khoán chi phù hợp với quy định của Nhà nước hiện hành. Mức khoán chi áp dụng
đối với từng trường hợp như sau:
- Đối với cán bộ, công chức và người làm việc
trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể, các hội: mức khoán chi
áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Đối với người lao động làm việc trong các tổ
chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức
xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn
thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Đối với người lao động làm việc trong các tổ
chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực
hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước
ngoài.
3. Bổ sung vào điểm 2.2 các khoản phụ cấp, trợ cấp
được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công như
sau :
Đối với những lĩnh vực công tác, ngành nghề mà Nhà
nước có quy định chế độ phụ cấp, trợ cấp,… thì các khoản phụ cấp, trợ cấp,… này
không tính vào thu nhập chịu thuế.
Điều 2. Bổ sung hướng dẫn điểm 3.1, khoản 3, Mục I, Phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC về giảm trừ gia cảnh như sau:
1. Bổ sung hướng dẫn tiết 3.1.4 các nội dung
sau :
1.1. Trường hợp đối tượng nộp thuế có mẹ kế, bố
dượng ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động theo quy định của Pháp
luật nhưng bị tàn tật không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu
nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000
đồng thì đối tượng nộp thuế được tính giảm trừ người phụ thuộc.
1.2. Đối tượng được tính là người phụ thuộc theo hướng
dẫn tại điểm 1.1 nêu trên và tại tiết 3.1.4, tiết 3.1.5 khoản 3, Mục I, Phần B Thông
tư số 84/2008/TT-BTC (trừ người phụ thuộc là con) cụ thể như sau:
- Người trong độ tuổi lao động được tính là người
phụ thuộc phải thoả mãn đồng thời các điều kiện sau:
+ Bị
tàn tật không có khả năng lao động;
+ Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân
tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng.
- Người ngoài độ tuổi lao động được tính là người
phụ thuộc phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ
tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng.
- Đối với người phụ thuộc là ông bà nội; ông bà
ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột; cháu ruột và các cá nhân
khác còn phải thoả mãn thêm điều kiện là người không nơi nương tựa mà người đối
tượng nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng.
2. Bổ sung hướng dẫn tiết 3.1.7 như sau:
2.1. Hồ sơ chứng minh đối với người phụ thuộc là bố
dượng, mẹ kế là: bản sao giấy khai sinh của đối tượng nộp thuế và bản sao giấy
chứng nhận kết hôn để chứng minh là bố dượng, mẹ kế hoặc các giấy tờ khác có liên
quan trong đó có nội dung xác định là bố dượng, mẹ kế.
2.2. Hướng dẫn bổ sung về hồ sơ chứng minh người
phụ thuộc là ông bà nội, ông bà ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em
ruột; cháu ruột, các cá nhân khác và nội dung xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp
xã đối với trường hợp người phụ thuộc là ông, bà nội, ông, bà ngoại, cô, dì, chú,
bác, cậu ruột, cháu ruột, các cá nhân khác:
a. Trường hợp người phụ thuộc cùng hộ khẩu với đối
tượng nộp thuế thì không cần xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã mà chỉ cần bản
sao hộ khẩu.
b. Trường hợp người phụ thuộc không cùng hộ khẩu
nhưng đang sống cùng đối tượng nộp thuế là: bản sao đăng ký tạm trú hoặc bản tự
khai (theo mẫu số 21a/XN-TNCN kèm theo Thông tư này) có xác nhận Uỷ ban nhân dân
cấp xã nơi đối tượng nộp thuế sống về việc người phụ thuộc đang sống cùng.
c. Trường hợp người phụ thuộc không sống cùng đối
tượng nộp thuế nhưng đối tượng nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng thì đối tượng
nộp thuế tự khai (theo mẫu số 21b/XN-TNCN kèm theo Thông tư này) và đề nghị Uỷ
ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận về việc người phụ
thuộc hiện đang sống tại địa phương và không có ai nuôi dưỡng.
2.3. Hướng dẫn bổ sung về nội dung xác nhận của Uỷ
ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp người phụ thuộc là người tàn tật không có
khả năng lao động:
Trường hợp người tàn tật không có khả năng lao động
nhưng không có xác nhận của cơ quan y tế thì đối tượng nộp thuế tự khai (theo mẫu
số 22/XN-TNCN kèm theo Thông tư này) và đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người
phụ thuộc đang sống xác nhận những biểu hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ
thuộc ; ví dụ như xác nhận người phụ thuộc bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, mắc
bệnh thiểu năng trí tuệ (down), bị di chứng chất độc màu da cam,...
Trường hợp người phụ thuộc mắc bệnh mà không có khả
năng lao động (như: bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn,…) có bệnh án của cơ quan
y tế từ cấp huyện trở lên thì chỉ cần bản sao bệnh án mà không cần phải có xác
nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
2.4. Đối với người lao động làm việc trong các tổ
chức kinh tế, các cơ quan hành chính sự nghiệp có bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con
và những người khác thuộc đối tượng được tính là người phụ thuộc đã khai rõ
trong lý lịch thì hồ sơ chứng minh người phụ thuộc do người lao động tự lựa chọn
áp dụng theo một trong hai cách sau:
- Cách 1: Chỉ cần Tờ khai đăng ký người phụ thuộc
theo mẫu số 16/ĐK-TNCN kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC có xác nhận của Thủ
trưởng đơn vị vào bên trái tờ khai. Thủ trưởng đơn vị chỉ chịu trách nhiệm đối
với các nội dung sau: họ tên người phụ thuộc, năm sinh và quan hệ với đối tượng
nộp thuế; các nội dung khác, đối tượng nộp thuế tự khai và chịu trách nhiệm.
Trường hợp có sự thay đổi người phụ thuộc thì đề
nghị Thủ trưởng đơn vị xác nhận vào tờ khai điều chỉnh.
- Cách 2: thực hiện theo hướng dẫn tại tiết 3.1.7,
điểm 3.1, khoản 3, Mục I, Phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC và hướng dẫn tại Thông
tư này.
3. Bổ sung hướng dẫn tiết 3.1.8 như sau:
Trường hợp đối tượng nộp thuế có thu nhập từ tiền
lương, tiền công thường xuyên, ổn định từ 02 nơi trở lên; hoặc vừa có thu nhập
từ kinh doanh vừa có thu nhập từ tiền lương tiền công thường xuyên ổn định; hoặc
có thu nhập từ kinh doanh thường xuyên ổn định từ 02 nơi trở lên thì đối tượng
nộp thuế được lựa chọn nơi đăng ký giảm trừ gia cảnh; cụ thể như sau:
- Về giảm trừ cho bản thân: đối tượng nộp thuế được
lựa chọn khai giảm trừ cho bản thân ở một nơi phát sinh thu nhập; đồng thời phải
thông báo cho đơn vị chi trả thu nhập khác hoặc cơ quan thuế (nơi có hoạt động
kinh doanh khác) biết để không tính giảm trừ trùng.
- Về giảm trừ cho người phụ thuộc: trường hợp, đối
tượng nộp thuế có nhiều người phụ thuộc, mà số người phụ thuộc tính giảm trừ ở
một nơi phát sinh thu nhập không đủ giảm trừ thì được đăng ký số người phụ thuộc
chưa giảm trừ hết vào nơi phát sinh thu nhập khác để được giảm trừ.
Điều 3. Bổ sung vào khoản 3, mục I, phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC điểm
mới (3.3) như sau:
Các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc được giảm trừ
khi xác định thu nhập tính thuế là các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của
Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Bảo hiểm Y tế như bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải
tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp,... Các khoản bảo hiểm khác không
được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế.
Mức bảo hiểm được trừ căn cứ vào hướng dẫn của Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế. Trường hợp cá nhân tự đóng các khoản bảo
hiểm nói trên thì mức được trừ căn cứ vào chứng từ của cơ quan bảo hiểm và tỷ lệ
đóng bảo hiểm theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế.
Điều 4. Thay thế nội dung nêu tại gạch đầu dòng thứ 3, tiết 2.2.1 a, điểm
2.2, khoản 2, Mục II, Phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC như sau:
Đối với cổ phiếu chưa niêm yết, chưa đăng ký giao
dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán nhưng công ty phát hành cổ phiếu uỷ quyền
cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông và cổ phiếu chưa niêm yết, chưa
đăng ký giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán và công ty phát hành không
uỷ quyền cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông thì giá chuyển nhượng
cổ phiếu làm căn cứ để khấu trừ thuế được căn cứ theo giá ghi trên hợp đồng
chuyển nhượng. Trường hợp trên hợp đồng không ghi giá thì căn cứ để khấu trừ
thuế là giá chuyển nhượng do người chuyển nhượng tự khai. Cá nhân chuyển nhượng
cổ phiếu không ghi giá trên hợp đồng tự khai giá chuyển nhượng phải chịu trách
nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai. Trường hợp cơ quan thuế có căn cứ
xác định giá ghi trên hợp đồng hoặc giá tự khai là không đúng thực tế thì cơ
quan thuế được quyền ấn định giá chuyển nhượng để tính lại số thuế phải nộp đồng
thời phạt về hành vi gian lận thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.
Điều 5. Sửa đổi, bổ sung tiết 1.2.7, khoản 1, Mục II, Phần D Thông tư số
84/2008/TT-BTC như sau:
Các tổ chức, cá nhân chi trả tiền hoa hồng đại lý bán
hàng hoá; tiền lương, tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân thực
hiện các dịch vụ có tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng trở lên cho mỗi lần
chi trả hoặc tổng giá trị hoa hồng, tiền công dịch vụ thì phải khấu trừ thuế trước
khi trả thu nhập cho cá nhân theo hướng dẫn sau:
- Áp dụng thống nhất một mức khấu trừ theo tỷ lệ
10% trên thu nhập chi trả, trừ các trường hợp Bộ Tài chính đã có văn bản hướng
dẫn mức tạm khấu trừ riêng (như tiền hoa hồng đại lý bảo hiểm, tiền hoa hồng đại
lý xổ số).
- Trường hợp
cá nhân làm đại lý bán hàng hoá (kể cả đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số) hoặc thực
hiện các dịch vụ chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế
theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau
khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế (ví dụ cá nhân có thu nhập không đến
48 triệu đồng/năm nếu độc thân hoặc dưới 67,2 triệu đồng/năm nếu có 01 người phụ
thuộc được giảm trừ đủ 12 tháng hoặc dưới 86,4 triệu đồng/năm nếu có 02 người
phụ thuộc được giảm trừ đủ 12 tháng,...) thì cá nhân có thu nhập làm cam kết
(theo Mẫu số 23/BCK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư này) gửi cơ quan chi trả
thu nhập để cơ quan chi trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ 10% thuế
TNCN. Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập đơn vị chi trả thu nhập tạm thời
không khấu trừ thuế nhưng hết năm vẫn phải cung cấp danh sách để cơ quan thuế
biết. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường
hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.
- Trường hợp tổ chức, cá nhân thuê lao động theo
thời vụ từ trên 03 tháng đến dưới 12 tháng và có hợp đồng lao động thì không áp
dụng khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% theo từng lần chi trả thu nhập hoặc tổng thu
nhập mà thực hiện tạm khấu trừ thuế theo Biểu luỹ tiến từng phần tính trên thu
nhập tháng.
Điều 6. Bổ sung điểm 2.2, khoản 2, Mục II, Phần
D Thông tư số 84/2008/TT-BTC về khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ
kinh doanh như sau:
1. Đối với hoạt động cho thuê nhà, tài sản:
Trường hợp cá nhân cho thuê nhà, tài sản trước năm
2009 và đã thu tiền cho thuê cho cả thời gian từ năm 2009 trở đi, đã khai và nộp
thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên toàn bộ doanh thu thu trước. Từ ngày
01/01/2009, cá nhân cho thuê được quyền lựa chọn giữ nguyên mức thuế thu nhập
doanh nghiệp đã nộp cho doanh thu từ năm 2009 trở đi hoặc tính lại theo Luật
thuế TNCN.
Cá nhân có yêu cầu tính lại theo Luật thuế TNCN
làm đơn đề nghị gửi cơ quan thuế đã thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với
doanh thu cho thuê. Trong đơn nói rõ họ tên người cho thuê, người đi thuê,
doanh thu đã thu tiền trước, thời hạn thu tiền trước, số thuế TNDN đã nộp cho
doanh thu thu tiền trước, kèm theo hợp đồng thuê và chứng từ đã nộp thuế TNDN
cho doanh thu phát sinh từ năm 2009. Căn cứ vào đơn đề nghị của cá nhân cho
thuê nhà, thuê tài sản, hợp đồng thuê và chứng từ đã nộp thuế TNDN, cơ quan
thuế tính số thuế TNCN phải nộp cho doanh thu phát sinh từ 2009.
Nếu số thuế TNCN phải nộp thấp hơn số thuế TNDN đã
nộp trước đây, cơ quan thuế sẽ hoàn lại cho người nộp thuế hoặc bù trừ số thuế
nộp thừa vào kỳ tính thuế tiếp theo. Việc hoàn thuế hoặc bù trừ do người cho
thuê nhà, tài sản đề nghị.
Trường hợp hợp đồng thuê quy định giá thanh toán
cho bên cho thuê là giá chưa có thuế và bên đi thuê nộp toàn bộ tiền thuế hộ bên
cho thuê thì việc tính lại thuế theo quy định của Luật thuế TNCN cũng được thực
hiện theo hướng dẫn ở mục này.
2. Về việc giảm thuế TNCN đối với cá nhân kinh
doanh nộp thuế TNCN theo phương pháp khoán có tạm nghỉ kinh doanh:
Trường hợp trong năm khoán thuế, cá nhân kinh
doanh có nghỉ liên tục từ trọn 01 tháng (từ ngày mùng 1 đến hết ngày cuối cùng
của tháng đó) trở lên thì được giảm 1/3 số thuế phải nộp quý; tương tự nếu nghỉ
liên tục trọn 2 tháng trở lên thì được giảm 2/3 số thuế phải nộp quý, nếu nghỉ
trọn quý thì được giảm tất cả số thuế phải nộp quý.
Ví dụ: Ông A là cá nhân kinh doanh có số thuế khoán
phải nộp năm 2009 là 12 triệu đồng. Trong năm, Ông có nghỉ kinh doanh liên tục
từ ngày 20/02 đến hết ngày 20/6. Ông A sẽ được xét giảm thuế như sau :
- Số tháng nghỉ kinh doanh liên tục của
Ông A được xét giảm thuế là tháng 3, tháng 4 và tháng 5;
- Số thuế khoán hàng quý của Ông A là 12
triệu đồng/4 quý = 3 triệu đồng
Vậy số thuế Ông A được giảm sẽ là:
- Trong quý I: Ông A nghỉ kinh doanh liên
tục 1 tháng nên Ông A được giảm 1/3 số thuế của quý I tướng ứng với 1 triệu
đồng.
- Trong quý II: Ông A nghỉ kinh doanh liên
tục 2 tháng nên Ông A được giảm 2/3 số thuế của quý II tướng ứng với 2 triệu
đồng.
Cá nhân nghỉ kinh doanh thuộc đối tượng được giảm
thuế phải lập hồ sơ đề nghị giảm thuế. Hồ sơ đề nghị giảm thuế được áp dụng như
theo hướng dẫn tại điểm 3, mục II, phần E Thông tư số 60 /2007/TT-BTC ngày
14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế
và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế
Căn cứ hồ sơ đề nghị giảm thuế, cơ quan thuế trực
tiếp kiểm tra hồ sơ và ra quyết định giảm thuế.
3. Bổ sung vào tiết 2.2.3 hướng dẫn khai thuế đối
với cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán ổn định: Trường hợp trong năm
khoán thuế có doanh thu kinh doanh thực tế lớn hơn doanh thu đã khoán; hết năm
cá nhân, nhóm cá nhân kinh doanh phải khai báo để tính lại số thuế thu nhập cá
nhân phải nộp cả năm.
4. Bổ sung hướng dẫn khai thuế, nộp thuế đối với
cá nhân kinh doanh lưu động (buôn chuyến):
Cá nhân kinh doanh lưu động phải tạm nộp thuế TNCN
tính trên thu nhập của từng chuyến hàng; mức tạm nộp thuế TNCN là 10% tính trên
thu nhập chịu thuế của chuyến hàng.
Cá nhân kinh doanh lưu động tạm nộp thuế TNCN đồng
thời với việc nộp thuế GTGT theo từng chuyến hàng.
5. Bổ sung hướng dẫn khai thuế, nộp thuế đối với
cá nhân kinh doanh có yêu cầu cấp hoá đơn lẻ :
- Cá nhân kinh doanh (trừ trường hợp cho thuê nhà,
tài sản) hoặc cá nhân bán tài sản có yêu cầu cơ quan thuế cấp hoá đơn lẻ thì
phải tạm nộp thuế TNCN; mức thuế TNCN tạm nộp là 10% tính trên thu nhập chịu
thuế từ hoạt động bán lô hàng hoặc tài sản.
Cá nhân kinh doanh yêu cầu cơ quan thuế cấp hoá
đơn lẻ phải tạm nộp thuế TNCN đồng thời với việc nộp thuế giá trị gia tăng
(GTGT) khi được cấp hoá đơn lẻ.
Cá nhân kinh doanh được cấp hoá đơn lẻ nếu có yêu
cầu hoàn thuế (hoặc bù trừ số thuế nộp thừa vào kỳ sau) thì cuối năm phải thực
hiện quyết toán thuế để xác định tổng thu nhập chịu thuế, số thuế phải nộp, số
thuế đã nộp, số thuế xin hoàn hoặc bù trừ số thuế nộp thừa vào kỳ sau.
6. Bổ sung hướng dẫn khai thuế, nộp thuế đối với trường
hợp một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân kinh doanh có nhiều địa điểm kinh doanh
đóng ở nhiều địa bàn quận, huyện, tỉnh, thành phố khác nhau:
Cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh phải
kê khai tạm nộp thuế TNCN tại Chi cục Thuế nơi diễn ra hoạt động kinh doanh và
quyết toán thuế TNCN đối với toàn bộ thu nhập chịu thuế từ kinh doanh với Chi cục
Thuế tại một nơi có địa điểm kinh doanh
mà cá nhân đăng ký giảm trừ gia cảnh.
Điều 7. Bổ sung vào cuối khoản 2, Mục II, Phần D Thông tư số 84/2008/TT-BTC về khai thuế đối với cá nhân có
thu nhập từ đầu tư vốn:
1. Đối với trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu
hoặc nhận cổ phiếu thưởng:
Cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc nhận cổ
phiếu thưởng chưa phải nộp thuế TNCN khi nhận cổ phiếu. Khi chuyển nhượng số cổ
phiếu này, cá nhân phải nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng
khoán và thu nhập từ đầu tư vốn.
- Căn cứ để xác định số thuế TNCN phải nộp đối với
thu nhập từ đầu tư vốn là giá trị cổ tức ghi trên sổ sách kế toán hoặc số lượng
cổ phiếu thực nhận nhân (x) với mệnh giá của cổ phiếu đó và thuế suất thuế TNCN
đối với thu nhập từ đầu tư vốn. Trường hợp chuyển nhượng cổ phiếu nhận thay cổ
tức, cổ phiếu thưởng với giá thấp hơn mệnh giá thì tính thuế TNCN đối với hoạt động
đầu tư vốn theo giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.
Cá nhân chuyển nhượng số cổ phiếu có được từ việc
nhận cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng phải tự khai (theo Mẫu số 24/KK-TNCN ban hành kèm
theo Thông tư này) và nộp thuế TNCN đối với hoạt động đầu tư vốn tại Chi cục
Thuế nơi cá nhân cư trú.
- Căn cứ để xác định số thuế TNCN phải nộp đối với
thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu có được từ nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng là
giá thực tế tại thời điểm chuyển nhượng và thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập
từ chuyển nhượng chứng khoán.
Trường hợp giá thực tế chuyển nhượng cổ phiếu thấp
hơn mệnh giá thì không phải nộp thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng chứng
khoán.
Trường hợp giá thực tế chuyển nhượng cổ
phiếu cao hơn mệnh giá thì cá nhân nộp thuế chuyển nhượng chứng khoán theo mức
thuế suất 0,1% trên giá thực chuyển nhượng hoặc theo mức thuế suất 20% trên
chênh lệch giữa giá thực tế chuyển nhượng với mệnh giá hoặc giá trị cổ tức ghi
trên sổ sách kế toán.
- Sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc
nhận cổ phiếu thưởng; nếu cá nhân có chuyển nhượng cổ phiếu cùng loại thì phải
khai và nộp thuế TNCN đối với cổ tức nhận bằng cổ phiếu hoặc nhận cổ phiếu thưởng
ngay. Trường hợp số lượng cổ phiếu chuyển nhượng lần đầu ít hơn số cổ phiếu nhận
thay cổ tức hoặc số cổ phiếu thưởng thì sẽ tính và nộp thuế TNCN kế tiếp vào các
lần chuyển nhượng sau cho tới khi hết số cổ phiếu đó.
2. Đối với trường hợp cá nhân được chia cổ tức
bằng tiền nhưng không nhận mà ghi tăng vốn đầu tư cũng áp dụng phương pháp thu
thuế TNCN như đối với trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc nhận cổ phiếu
thưởng.
Sau khi nhận cổ tức bằng tiền và ghi tăng
vốn đầu tư, nếu cá nhân rút vốn khỏi doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng vốn thì phải
khai và nộp thuế TNCN tương ứng với phần cổ tức nhận được ngay. Trường hợp giá
trị vốn góp được rút khỏi doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng lần đầu ít hơn
giá trị cổ tức nhận được thì sẽ kê khai và nộp thuế TNCN kế tiếp vào các lần rút
vốn hoặc chuyển nhượng sau cho tới khi hết.
Điều 8. Bổ sung, sửa đổi điểm 2.8, khoản 2, Mục II, Phần D Thông tư số
84/2008/TT-BTC :
Điểm 2.8 khoản 2, Mục II, Phần D Thông tư
số 84/2008/TT- BTC hướng dẫn như sau: "Căn cứ hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế
kiểm tra, tính thuế để người nhận thừa kế, quà tặng nộp thuế vào ngân sách nhà
nước. Trường hợp thu nhập từ thừa kế, quà tặng dưới 10 triệu đồng"
Nay sửa lại như sau: "Căn cứ hồ sơ khai thuế,
cơ quan thuế kiểm tra, tính thuế để người nhận thừa kế, quà tặng nộp thuế vào
ngân sách nhà nước. Trường hợp thu nhập từ thừa kế, quà tặng dưới 10 triệu đồng
hoặc được miễn thuế thì cơ quan thuế sẽ xác nhận vào tờ khai".
Điều 9: Sửa đổi mẫu tờ khai thuế đối với chuyển nhượng bất động sản, nhận
thừa kế, quà tặng là bất động sản:
Ban hành tờ khai thuế TNCN đối với cá nhân
có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, quà tặng là bất động
sản mới (mẫu số 11/KK-TNCN kèm theo Thông tư này), thay thế mẫu số 11/KK-TNCN
ban hành kèm theo Thông tư số 84/2008/TT-BTC.
Điều 10. Bổ sung về thời hạn nộp thuế đối với chuyển nhượng bất động sản,
nhận thừa kế, quà tặng, chuyển nhượng vốn góp,… như sau:
Thời hạn nộp thuế TNCN đối với hoạt động
chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế, quà tặng; chuyển nhượng vốn góp, đầu
tư vốn (trường hợp phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế),… là ngày ghi
trên thông báo nộp thuế của cơ quan thuế nhưng chậm nhất không quá 30 ngày kể
từ ngày nhận được thông báo thuế.
Điều 11. Bổ sung giảm thuế TNCN đối với người lao động làm việc tại các khu
kinh tế:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 34 của
Luật thuế TNCN thì những khoản thu nhập của cá nhân được ưu đãi về thuế quy
định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật thuế TNCN có hiệu lực
thi hành tiếp tục được hưởng ưu đãi.
Căn cứ theo quy định trên thì cá nhân là người
Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại các khu kinh tế kể từ ngày Nghị định số
29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ có hiệu lực thi hành và từ sau ngày
01/01/2009 đều được giảm 50% thuế TNCN.
Điều 12. Tổ chức thực hiện:
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể
từ ngày ký và áp dụng cho các khoản thu nhập phát sinh từ ngày 01/01/2009. Bãi bỏ
các nội dung hướng dẫn tại Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 và các văn bản
khác của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNCN trái với hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc đề
nghị có ý kiến về Bộ Tài chính để được giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- HĐND, UBND, Sở TC, Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Các đơn vị thuộc Bộ ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TCT (VT, TNCN).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
0 nhận xét