Một số ý kiến về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2014

Ảnh mang tính minh họa


Một số ý kiến về phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2014

Mức lương tối thiểu là cơ sở xác định tiền lương của người lao động dựa trên tính chất công việc, điều kiện làm việc và nhu cầu sống tối thiểu nhằm bảo vệ quyền lợi tối thiểu của người lao động, góp phần điều hòa quyền lợi của các bên tham gia quan hệ lao động.
Theo Tổ chức lao động quốc tế ILO, căn cứ Điều 3, Công ước số 131 năm 1972 về tiền lương tối thiểu đặc biệt đối với các nước đang phát triển, trong chừng mực có thể và thích hợp, xét theo thực tiễn và điều kiện quốc gia, những yếu tố cần lưu ý để xác định mức lương tối thiểu phải gồm: a) Những nhu cầu của người lao động và gia đình họ, xét theo mức lương chung trong nước, giá sinh hoạt, các khoản trợ cấp an sinh xã hội và mức sống so sánh của các nhóm xã hội khác; b) Những nhân tố về kinh tế, kể cả những đòi hỏi của phát triển kinh tế, năng suất lao động và mối quan tâm trong việc đạt tới và duy trì một mức sử dụng lao động cao.
Pháp luật lao động Việt Nam, từ Bộ luật lao động năm 1994 cho đến Bộ luật lao động năm 2012, đã có sự biến chuyển rõ rệt về căn cứ xác định mức lương tối thiểu, hướng tới xây dựng Luật tiền lương tối thiểu trong Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ban đầu, mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích luỹ tái sản xuất sức lao động mở rộng[1]. Thì hiện nay, căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia[2].
Mức lương tối thiểu vùng năm 2013 (vùng I) của Việt Nam hiện đang là 2.350.000đ/tháng (khoảng 113USD/tháng hay 3.76USD/ngày). Mức này tương đương với mức lương tối thiểu năm 2013 của một số nước trong khu vực như Lào (3.33 - 4.08USD/ngày), Indonexia (2.95 - 5.38USD/ngày), cao hơn vài nước như Campuchia (2.03 - 2.05USD/ngày), Myanma (0.58USD/ngày), nhưng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (Thượng Hải: 4.00 – 7.09USD/ngày), Malaysia (Kuala Lumpur: 9.81USD/ngày), Thailand (9.45 - 10.00USD/ngày), Philippines (Manila: 9.72 - 10.60USD/ngày),…[3]
Theo báo cáo trong bản Đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2014 ngày 12/07/2013 của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức lương tối thiểu của từng vùng còn thấp, mới đáp ứng được khoảng 62% - 68% so với như cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Cũng theo báo cáo này, dựa vào phương pháp xác định mức lương tối thiểu theo nhu cầu tối thiểu của người lao động (không rõ đã bao gồm nhu cầu tối thiểu của gia đình người lao động hay chưa?), Đề án cải cách chính sách lương tối thiểu đã điều tra và xác định được mức lương tối thiểu bốn vùng từ năm 2012 đến năm 2017; năm 2014 từ vùng I đến vùng IV được xác định tương ứng là 3.640.000 - 3.310.000 - 3.090.000 - 2.780.000đ/tháng. Căn cứ vào nội dung điều tra của Đề án cải cách chính sách lương tối thiểu, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế…, Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất hai phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng[4] trong các loại hình doanh nghiệp năm 2014 nhằm cải thiện một phần tiền lương, thu nhập của người lao động cũng như phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cụ thể là:
Đơn vị tính: 1.000đồng/tháng
Vùng
Phương án 1
Phương án 2
Mức lương tối thiểu năm 2014
Mức tăng năm 2014 so với năm 2013
Mức lương tối thiểu năm 2014
Mức tăng năm 2014 so với năm 2013
Vùng 1
2.800
450
2.700
350
Vùng 2
2.500
400
2.450
350
Vùng 3
2.150
350
2.100
300
Vùng 4
2.000
350
1.930
280
Việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về thông tin mức lương tối thiểu và phương pháp xác định mức lương tối thiểu theo nhu cầu tối thiểu của người lao động là điều cần thiết để doanh nghiệp có thể (i) Xác định được thông tin, kế hoạch và định hướng cải cách tiền lương của Chính phủ; (ii) Tự điều chỉnh chiến lược giá của sản phẩm trên cơ sở định hướng cải cách tiền lương đó; (iii) Nắm bắt mức lương tối thiểu cho nhu cầu tối thiểu của người lao động theo từng thời kỳ; từ đó đưa ra các biện pháp điều chỉnh thang bảng lương, đảm bảo cuộc sống của người lao động nhằm giữ chân họ gắn bó với doanh nghiệp.
Trong bản Đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2014 ngày 12/07/2013, phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nêu ra một số căn cứ để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng như mức lương tối thiểu theo nhu cầu tối thiểu của người lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, không đạt chỉ tiêu đề ra… Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương quốc gia chưa đề cập đến một số yếu tố pháp lý mới có hoặc sắp có hiệu lực ảnh hưởng đến quỹ lương chi trả của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
1. Quỹ tiền lương làm thêm giờ:
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 1994 (đã hết hiệu lực), trường hợp người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì tiền lương làm thêm giờ được tính trả như sau (đối với lao động trả lương theo thời gian)[5]:
Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm
=
Tiền lương
giờ thực trả
x
130%
x
150% hoặc
200% hoặc 300%
x
Số giờ làm thêm vào ban đêm
Nếu người lao động làm thêm 1 giờ vào ban đêm ngày thường, họ sẽ nhận được 195% tiền lương giờ theo công việc làm vào ban ngày.
Theo quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2012, ngoài mức tính 150% (cho ngày thường) và 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường, doanh nghiệp buộc phải trả thêm một khoản tiền bằng 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày nếu người lao động làm thêm giờ vào ban đêm[6].
Tức là, ngoài mức 195% như trên, doanh nghiệp phải trả thêm 20% nữa.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải trả 400% cho người lao động hưởng lương ngày nếu đi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương[7]. Hiện chưa có hướng dẫn về việc những người lao động hưởng lương giờ, lương tuần, lương tháng hoặc lương theo sản phẩm, theo khoán có được hưởng mức 400% như người lao động hưởng lương ngày hay không. Nhưng chắc chắn một điều, doanh nghiệp phải trả cao hơn so với mức 300% theo quy định cũ[8].
2. Mức đóng Bảo hiểm xã hội:
Theo lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm xã hội được quy định tại Khoản 1, Điều 91, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Khoản 1, Điều 5, Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 25/10/2011, kể từ 01/01/2014 trở đi, doanh nghiệp phải đóng 18% mức tiền lương, tiền công tháng, tăng thêm 1% so với năm 2013.
Khi mức tiền lương tối thiểu vùng tăng, hai khoản vừa nêu ở trên cũng sẽ tăng theo. Trong cơ cấu giá sản phẩm, chi phí nhân công chiếm khoảng 15% - 30% giá thành. Nếu như tăng lương theo phương án 1, giá thành sản phẩm tăng lên khoảng 5% - 8%. Còn nếu theo phương án 2, giá thành sản phẩm tăng lên khoảng 4% - 6%. Đây là những mức tăng không dễ dàng gì cho doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Do đó, chúng tôi đề xuất mức tiền lương tối thiểu vùng tăng khoảng 10% -12% như sau:
Vùng
Phương án 3
Mức lương tối thiểu năm 2014
Mức tăng năm 2014 so với năm 2013
Vùng 1
2.600
250
Vùng 2
2.350
250
Vùng 3
2.000
200
Vùng 4
1.850
200
Mức lương tối thiểu vùng này đáp ứng được khoảng 66% - 71% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.


[1] Điều 56, Bộ luật Lao động năm 1994
[2] Khoản 2, Điều 91, Bộ luật Lao động năm 2012
[3] Nguồn xem tại website: http://www.business-in-asia.com/asia/minimum_wage/Minimum_wages_in_Asia/minimum_wage_in_asia.html
[4] Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất giữ nguyên bốn vùng và danh mục địa bàn ở bốn vùng theo quy định tại Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012.
[5] Điểm c, Khoản 3, Mục V, Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 30/5/2003
[6] Khoản 3, Điều 97, Bộ luật Lao động năm 2012: “Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”
[7] Điểm c, Khoản 1, Điều 97, Bộ luật Lao động năm 2012
[8] Điểm a, Khoản 2, Mục V, Thông tư số 13/2003/TT-BLĐTBXH: “Mức 300%, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương (trong mức 300% này đã bao gồm tiền lương trả cho thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương theo điều 73, 74, 75 và 78 của Bộ Luật Lao động)”

Theo VCA

Tags: , , ,

MINH TRÍ

Đọc giả thân mến! Những bài viết trong Blog Tri Thức Kế Toán nhằm mục đích cho nhật ký cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện ghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Lê Minh Trí.

HƯỚNG DẪN CÁCH VIẾT BÌNH LUẬN
1. Sử dụng tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Tên/URL-Website [có thể bỏ trống URL], hoặc Ẩn danh [Anonymous] để đưa ra comment [bình luận], nếu muốn.
2. Vui lòng đăng bình luận hòa nhã, đúng mực và cố gắng gõ tiếng Việt có dấu nếu có thể. MINH TRÍ rất vui vì những bình luận thiện chí mang tính xây dựng. Xin chân thành cảm ơn!