Đại sứ EU mong Việt Nam nổi trội ở Đông Á



Đại sứ trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu Franz Jessen nói rằng ông muốn làm trong nhiệm kỳ công tác là làm cho châu Âu thấy một Việt Nam nổi trội ở Đông Á, và là nơi cần quan tâm đến.

Dưới đây là nội dung Đại sứ Jessen trả lời trực tuyến các độc giả của VnExpress, liên quan tới các mặt chính trị, kinh tế, giáo dục, giao thông và cả những chuyện vui về cuộc sống của ông ở Hà Nội.
- Đầu tiên tôi xin chúc mừng Đại sứ về nhiệm kỳ công tác mới tại đất nước xinh đẹp Việt Nam chúng tôi. Tôi đang tìm hiểu học bổng Eramus Mundus và cũng muốn du lịch châu Âu tự túc nữa. Xin ngài giới thiệu về học bổng này? (Đình Bình, 29 tuổi, Hà Nội)
Đại sứ EU
Đại sứ Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội, ông Franz Jessen.
- Tôi xin cảm ơn. Eramus Mundus là chương trình học bổng quan trọng của châu Âu, hàng trăm sinh viên Việt Nam đã đến học tập tại EU nhờ học bổng này. Học bổng đại học là 24.000 EUR/năm, học bổng tiến sĩ từ 20.000 đến 40.000 EUR tùy thuộc nội dung học, chi phí này hoàn toàn đủ cho các chi phí ăn học tại châu Âu.
Về visa cho người đi du lịch, visa của khối cho phép người khách đi tự do trong khu vực của châu Âu, khuyến khích đi lại tự do. Điểm thú vị là với cơ chế visa cho phép thăm viếng số lượng nước lớn, thì cũng khuyến khích đi lại nội khối trong chúng tôi.
- Nền giáo dục của các nước EU đào tạo rất khoa học, hiện đại và uy tín nên khi ra trường dễ có việc làm, nhưng để sang du học thì chi phí cao. Vậy ngài Đại sứ có kế hoạch cho ngành giáo dục EU thực hiện đào tạo tại chổ để học sinh Việt Nam dễ tiếp cận. Xin cám ơn và chúc sức khỏe ngài Đại sứ EU. (Phạm Xuân Hùng, 22 tuổi, Hà Nội)
- Có một số nước thành viên châu Âu đã có chương trình hợp tác với các trường đại học Việt Nam. Sắp tới, chúng tôi có chương trình kết hợp đào tạo chặt chẽ giữa Việt Nam và Đức. Một vấn đề chủ chốt mà tôi muốn đề cập đó là xây dựng trường học. Tôi đã thấy sự phát triển mạnh về sự hợp tác giáo dục của Việt Nam. Tôi cũng gặp gỡ với những người Việt Nam và nhận thấy không phải ai cũng có khả năng ngoại ngữ tốt. Nhưng xin kể một câu chuyện nhỏ như thế này, khi tôi đưa con đi học tại trường quốc tế ở Hà Nội, có một cậu bé người Việt khoảng 8 tuổi, tự tin nói: "Cháu có khả năng nói tốt". Ý của tôi là việc học ở trường quốc tế giúp nâng cao khả năng ngoại ngữ.
- Xin Ngài cho biết ảnh hưởng của nợ công tại EU có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế Việt Nam . Những kinh nghiệm rút ra từ việc chi tiêu công đối với hoạt động của chính phủ Việt Nam hiện tại ? (Lê Mạnh Hùng, 26 tuổi, Hà Nội)
- Tôi không nghĩ là tình hình nợ công châu Âu ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa chúng ta. Bất chấp khủng hoảng nợ, châu Âu vẫn là phần quan trọng của thế giới.
Khi chuẩn bị đảm nhiệm công việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy mức tăng trưởng thương mại giữa chúng ta rất mạnh mẽ. Tôi từng nghĩ khủng hoảng làm quan hệ kinh tế Việt Nam EU bị ảnh hưởng, nhưng ngược lại nó đã tăng rất mạnh mẽ, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Một lý do là xuất khẩu từ Việt Nam sang EU không phụ thuộc vào thu nhập của người dân một cách trực tiếp. Từ kết quả trên có hai điều có thể đúc rút: hàng hóa xuấ sang có khả năng cạnh tranh tốt, và là mặt hàng thiết yếu không thể không sử dụng.
Điều quan ngại là ở khía cạnh khác, làm sao hàng hóa Việt Nam duy trì được chất lượng tốt khi xuất khẩu sang chúng tôi. Chúng tôi nhập khẩu nhiều thực phẩm và chúng tôi quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Thưa ông Jessen, việc xuất khẩu rau quả tươi của Việt Nam vào EU đang gặp rất nhiều khó khăn, ông có thể cho biết triển vọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU như thế nào trong năm 2012. (Phạm Thị Huệ, 30 tuổi)
- Thực ra, câu trả lời trở lại vấn đề kiểm soát chất lượng. Về nguyên tắc, châu Âu mở cửa với mọi sản phẩm, nhưng đương nhiên các sản phẩm đó phải thỏa mãn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với hàng từ Việt Nam, chúng tôi trông đợi khả năng kiểm soát tồn dư từ các cơ quan quản lý Viẹt Nam. Vai trò kiểm soát chất lượng rát quan trọng, vì chúng tôi mong muốn việc này được làm một cách nghiêm túc. Như tôi đã nói, nguời tiêu dùng châu Âu rất khó tính. Nói một cách khác, tác động tiêu cực của chất lượng kém sang châu Âu của một nhóm hàng có thể ảnh hưởng tòan bộ các nhóm hàng khác.
Tôi rất tiếc khi phải nói rằng một mặt hàng tới Việt Nam không an toàn thì tất cả các hàng hóa khác đều không an toàn và không sử dụng. Nếu điều này xảy ra, sẽ mất nhiều thời gian để lấy lại uy tín trong mắt người châu Âu.
- Doanh nghiệp tôi làm ăn tại châu Âu từ nhiều năm nay, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn thích thanh toán bằng USD hơn EUR, vì sự thuận tiện và an toàn. EU có chính sách hoặc chủ trương gì để đẩy mạnh thanh toán bằng euro trong thương mại quốc tế? (Nguyễn Thanh Hùng, 48 tuổi, TP HCM)
- Tôi nghĩ càng ngày càng có nhiều người sử dụng tiền EUR cho những thanh toán như vậy. Các bạn cũng biết đồng EUR là một đồng tiền ổn định do đó nhiều công ty chuyển sang đồng tiền này để thanh toán.
- Ông dự báo gì về dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam trong năm 2012? (Pham Lam, 30 tuổi)
- Tôi nghĩ giống như năm 2011 nhưng có thể ít hơn một chút và tăng một chút vì lý do nào đó.
Theo tôi có thể có một khởi đầu tốt đẹp cho dòng vốn đầu tư từ EU. Nhiều nhà đầu tư coi Việt Nam là điểm đầu tư thay cho Trung Quốc. Gần đây, tôi có những cuộc tiếp xúc quan trọng với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi bàn về việc làm sao để giới đầu tư châu Âu tiếp cận nhiều hơn với giới kinh doanh Việt Nam. Vào năm 2001, vốn đầu tư FDA vào Việt Nam gần 1,8 tỷ USD.
Điều quan trọng hơn nữa là loại hình đầu tư vào Việt Nam ngày càng ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, những nhà đầu tư rất cần môi trường đầu tư lành mạnh, việc bảo vệ tôn trọng quyền trí tuệ, cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Một trong những điểm yếu của Việt Nam đối với một số nước Đông Nam Á là cơ sở hạ tầng chưa tốt. Đặc biệt yếu tố pháp lý cũng điều quan trọng để các công ty nước ngoài xem xét khi đầu tư vào Việt Nam.
- Cá nhân ông nghĩ gì về cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hiện nay, theo ông Việt Nam nên rút kinh nghiệm gì từ cuộc khủng hoảng này? (Phan Vũ, 38 tuổi, Đà Nẵng)
- Một trong những bài học quan trọng nhất đó là phải kiểm soát thâm hụt ngân sách ở một ngưỡng kiểm soát đuợc, với chúng tôi là 3%/năm. Như các bạn thấy, châu Âu đang cố đưa thâm hụt ngân sách xuống ngưỡng này.
Tôi nghĩ bài học mà Việt Nam có thể rút ra rất quan trọng. Đó là kiểm soát thâm hụt ngân sách trong phạm vi có thể quản lý được. Một bài học khác, đó là trong suốt quá trình chúng tôi đưa vào sử dụng euro, chúng tôi kiểm soát được lạm phát. Chúng ta quay trở lại tính ổn định trong môi trường kinh doanh, nếu kiểm soát đuợc lạm phát, người kinh doanh sẽ dự trù được chi phí đầu tư và biết được môi truờng ổn định trong kinh doanh.
- Thưa ngài đại sứ, việc hai bên ký hiệp định thương mại tự do toàn diện sẽ đem lại cho doanh nghiệp Việt Nam những lợi ích cụ thể gì? (Quang Minh, 60 tuổi)
- Tôi nghĩ là sẽ có những lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp. Nếu như chúng ta có thể sớm ký kết FTA, lợi ích không chỉ tới với Việt Nam mà cả châu Âu. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, việc chúng ta có thể chuyển tải thông điệp tự do thương mại sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả hai bên.
Khi tôi nói FTA không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho châu Âu, tôi không chỉ nói tới những công ty ở chính châu Âu, bởi vì khi có FTA, xu hướng các công ty châu Âu sẽ quyết định chuyển địa điểm sang Việt Nam để lấy nguồn gốc xuất xứ đó xuất sang nguợc lại châu Âu, từ đó có ưu đãi thuế quan. Lợi ích tiếp theo là về chính trị, bởi nó cho thấy EU và Việt Nam là hai đối tác gần gũi.
Buổi phỏng vấn Đại sứ EU tại tòa soạn VnExpress.
- Thưa Đại sứ, tôi được biết bên cạnh việc kết hôn với một người phụ nữ Trung Quốc, ngài còn nói được tiếng Hoa và rất hiểu biết về đất nước này. Vậy từ góc nhìn của ngài có thể giúp gì trong việc xây dựng quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ngày càng tốt hơn? (Vi Văn Phạm, 24 tuổi, Lào Cai)
- Tôi cũng đang cố gắng học cả tiếng Việt Nam nữa.
Xin chia sẻ là tôi từng làm việc ở Nhật 5 năm và Bắc Kinh 8 năm. Tôi đã thấy được những sự tương đồng giữa Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên quan điểm về một quốc gia và văn hóa phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Tôi nghĩ văn hóa Nhật khác châu Âu. Nhưng tôi thừa nhận rằng người châu Âu đến Nhật làm quen với môi trường rất nhanh vì có nhiều điểm tương đồng.
Nhật Bản từng có mâu thuẫn lớn với Trung Quốc nhưng thời gian trôi qua thì căng thẳng càng phai mờ đi. Khi quay lại mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi cũng thấy có nhiều tương đồng nhưng cũng tồn tại sự khác biệt nhất định. Một trong những vấn đề khác biệt lớn là người Việt Nam khó có trải nghiệm về mặt kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nên mỗi khi có trải nghiệm mới về kinh tế nó thường trở nên tầm vĩ mô. Người Trung Quốc cũng có thể trải nghiệm nhiều thử nghiệm về kinh tế nhưng nó không trở thành quy mô quốc gia và không bị coi là quá quan trọng. Thể chế chính trị Việt Nam -Trung Quốc thì hoàn toàn tương đồng.
Khi tôi ở Bắc Kinh năm 1998, tôi thấy họ có nỗ lực lớn để hiểu biết về thế giới bên ngoài. Chẳng hạn tôi có gặp các quan chức chính phủ ở đó, và họ thường kể cho tôi nghe về những chuyến công tác ra nước ngoài của họ. "Này tôi vừa đến Đan Mạch để học hỏi về phúc lợi đấy", ví dụ họ bảo tôi như vậy. Đấy là một bước tiến lớn.
Ý tôi là vấn đề mà nước bạn đang giải quyết hôm nay thì có thể những nước khác cũng đã gặp. Trong suốt 20 năm qua, Trung Quốc đã có những chiến lược tốt. Việt Nam cũng có thể học hỏi cho mình. Và điều quan trọng là những gì châu Âu đã trải qua thì Việt Nam cũng có thể học hỏi từ châu Âu. Chẳng hạn như vấn đề hạ tầng cơ sở, châu Âu cũng đã gặp phải. Châu Âu cũng có hệ thống chống tham nhũng tốt. Hệ thống pháp lý hay nhân quyền cũng thế. Tôi khuyến khích chính phủ Việt Nam học hỏi từ các nước, và một điều quan trọng là hãy đến và chia sẻ kinh nghiệm cùng với châu Âu.
- Xin ngài đại sứ cho biết quan điểm của EU và của cá nhân ngài về đường lưỡi bò mà Trung Quốc công bố trên Biển Đông? (Đinh Quang Bắc, 45 tuổi, Hà Nội)
- Tôi nghĩ rằng việc Trung Quốc và Việt Nam tìm ra giải pháp là rất quan trọng, nhưng phải phù hợp luật pháp quốc tế, thông qua hòa bình và hợp tác cao. Tất nhiên, với EU, việc tự do đi lại và hàng hải trong khu vực là quan trọng và cần được tôn trọng. Đây là vấn đề chúng tôi theo dõi chặt, nhưng cũng là vấn đề mà chúng tôi tin tưởng Việt Nam và Trung Quốc sẽ tìm ra giải pháp.
Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc cũng có tác động tới Việt Nam, và cả EU. Những tăng trưởng của Trung Quốc còn ảnh hưởng tới toàn cầu. Tất nhiên, điều này có ảnh hưởng khác nhau trong những lĩnh vực khác nhau.
Một lần nữa, tôi muốn nói cần phải nhìn nhận với tầm nhìn nhất định. Xét về mặt dân số, châu Âu chỉ bằng 40% Trung Quốc, nhưng nền kinh tế lớn gấp 3. Tôi tin rằng còn nhiều vấn đề chúng ta cần phải hợp tác với nhau so với những gì chúng ta đang duy trì.
- Ông có nói rằng châu Âu từng phải giải quyết nhiều vấn đề hạ tầng. Vậy ông có kinh nghiệm gì để cải thiện hạ tầng giao thông ở Việt Nam? Ông bình luận gì về đề nghị thu phí lưu hành xe cơ giới ở các thành phố lớn mà các quan chức Việt Nam đang đề xuất? (Hoang Minh Phong, 39 tuổi, Số 6 nghách 102 trần khát chan - hai bà trương -ha noi)
- Đối với tôi, đi lại giao thông tại Việt Nam là một kinh nghiệm đáng lưu ý. Tôi đã quen với việc đèn giao thông chỉ là một chỉ dấu nho nhỏ. Tôi cũng làm quen với việc đi một phần con đường Hà Nội như thế nào. Ở một khía cạnh khác, sự đông đúc giao thông của Việt nam cũng thể hiện tính năng động của nền kinh tế này.
Tuy nhiêu, điều tôi quan ngại là sự thiếu ý thức của nhiều người dân khi tham gia giao thông. Cá nhân tôi thấy rất thú vị vì sự khác biệt giữa giao thông ở TP HCM và Hà Nội. Dường như người dân ở TP HCM tuân thủ luật lệ giao thông hơn ở Hà Nội. Tôi sống ở trung tâm thành phố Hà Nội nên buộc phải làm quen với giao thông ở đây rất nhanh.
Đại sứ EU
- EU đã giúp gì cho việc phát triển đô thị ở Hà Nội và TP HCM và có chương trình gì giúp đỡ Việt Nam nâng cấp đường sá, cầu cống? (Tocan, 37 tuổi, Hà Nội)
- Tôi rất hài lòng khi có câu hỏi về vấn đề này vì chúng tôi cũng hỗ trợ lớn cho Việt Nam về vấn đề này. Năm 2012, chúng tôi sẽ viện trợ 66 triệu euro cho Việt Nam. Khi tôi nói chúng tôi nghĩa là Ủy ban châu Âu. Trong suốt những năm qua, chúng tôi là đối tác kiên trì hỗ trợ Việt Nam về viện trợ phát triển. Khi tôi còn làm việc ở một đơn vị tại Brussels tôi từng làm cho một đơn vị phát triển quan hệ Việt Nam trong những năm 90.
Thời gian đó, tôi đã thực hiện dự án hồi hương cho những thuyền nhân của Việt Nam và giúp họ hòa nhập. Thậm chí, ngày nay, tại phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội, có trên một nửa số nhân viên làm việc về viện trợ phát triển cho Việt Nam. Bên cạnh 66 triệu euro nói trên, ngân hàng đầu tư châu Âu đã hỗ trợ trên 100 triệu euro giúp Việt Nam tăng cường hạ tầng cơ sở. Trong đó, một khoản không nhỏ giúp xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP HCM. Hy vọng khi dự án được triển khai, sẽ giúp giải quyết vấn đề giao thông tại Việt Nam.
- Ngài Đại sứ thấy ẩm thực Việt Nam thế nào, món ăn ưa thích của ông? (Anh Tuấn, 24 tuổi, Hà Nội)
- Tôi rất thích phở Việt Nam. Gia đình tôi cũng thích ăn món đó vào buổi sáng. Nếu không tính toán kỹ, một ngày tôi ăn đến 3 lần phở.
Một trong những điều giúp Việt Nam được biết đến ở châu Âu chính là ẩm thực. Nhiều người Việt Nam đã mở quán ăn ở châu Âu từ đầu những năm 80. Do vậy, tôi biết ẩm thực Việt Nam từ trước khi tới đây. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam ở nhiệm kỳ này, tôi biết nhiều hơn nữa. Vừa rồi, khi đến Phan Thiết và Bình Thuận, tôi rất thích món cá tươi ở đó.
- Hiện nay, người Việt Nam đi du lịch nước ngoài rất đông, trong số đó cũng có rất nhiều người muốn tới thăm châu Âu. Tuy nhiên, việc xin visa hết sức khó khăn và phức tạp. Ngài Đại sứ xem xét có biện pháp gì hỗ trợ chúng tôi trong việc làm thông thoáng thủ tục visa du lịch hơn không? Cảm ơn ngài (Nguyễn Thanh Bình, 41 tuổi, Hà Nội)
- Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này một cách chi tiết với nhiều sứ quán thành viên ở Hà Nội và việc này cũng được triển khai tốt.
Chính sách visa của chúng tôi đảm bảo rằng mọi người sẽ trở về điểm xuất phát của họ để làm việc, sinh sống. Luôn luôn có câu hỏi liên quan tới nhập cư bất hợp pháp. Đây là một câu hỏi tồn tại lâu nay. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề chúng tôi sẵn sàng thảo thuận sâu hơn vì nó còn liên quan tới nhiều vấn đề khác.
Chúng tôi có thể giải quyết dễ dàng hơn thông qua cách tiếp cận là một nhóm người cùng nhau đi du lịch. Một điều khác nữa liên quan tới visa đó là các đồng nghiệp của chúng tôi tại châu Âu đang làm việc để tăng chuyến bay từ Việt Nam tới châu Âu.
Nếu có chuyến bay thẳng, mọi người sẽ tới châu Âu nhiều hơn. Khi tôi chuyển tới sống ở giữa trung tâm Hà Nội, tôi thấy số khách châu Âu tới Việt Nam tăng rất nhanh.
Một vấn đề tôi theo sát đó là chính phủ Việt Nam đang xúc tiến du lịch mạnh mẽ. Chúng tôi thực tế đã hỗ trợ Việt Nam một dự án có giá trị 11 triệu euro để xúc tiến du lịch ở Việt Nam.
- Thưa Đại sứ, trong khoảng 3 năm trở lại đây Mỹ và Ấn Độ đang có chính sách "hướng Đông" nhằm tìm những lợi ích và duy trì sự ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương, vậy thì liệu EU có "nối gót" hay không ? (Nguyễn Trung Nghĩa, 23 tuổi, Quận 10, TP.HCM)
Đại sứ EU
- Chúng tôi đã hướng Đông một thời gian lâu rồi nhưng không phải Viễn Đông. Nhưng tôi cũng nói rằng đã có những diễn biến quan trọng tại châu Âu và cận châu Âu. Việc sụp đổ bức tường Berlin là một vấn đề chúng tôi quan tâm. Vấn đề này đã được giải quyết ổn định.
Năm ngoái cũng xảy ra những vấn đề ở Bắc Phi rất gần châu Âu. Đó là những lý do tại sao khi đọc những trang tin bạn lại thấy rằng chúng tôi quan tâm tới những khu vực cận châu Âu. Nếu nhìn xa hơn nữa về vấn đề kinh doanh thì các công ty châu Âu hầu hết là đa quốc gia, có những công việc làm ăn ở Đông Á. Họ sản xuất những mặt hàng đắt tiền. Khi bạn đi lại ở Việt Nam, bạn sẽ thấy nhiều chiếc xe đắt tiền chính là ở châu Âu. Ở gần nơi tôi ở có rất nhiều thương hiệu đắt tiền mà đa phần ở châu Âu. Xét về những lợi ích về kinh tế và chính trị, Đông Á là một nơi vô cùng quan trọng và với châu Âu. Điều tôi muốn làm khi ở Việt Nam là muốn Việt Nam nổi trội hơn ở Đông Á, và từ châu Âu, họ coi Việt Nam là nơi cần quan tâm tới.
- Ngoài các liên hoan phim và âm nhạc, ngài có thể giới thiệu thêm với chúng tôi về văn hóa châu Âu ở Việt Nam (Lan, 21 tuổi, Huế)
- Chúng tôi đang xem xét vấn đề này, bên cạnh những sự kiện âm nhạc và liên hoan phim, dường như văn hóa châu Âu chưa đuợc cảm nhận đầy đủ ở Việt Nam. Chúng tôi có những viện văn hóa có tiếng và lâu đời.
Chúng tôi vừa làm việc với L'Espace tuần này, và rất ấn tượng với cách làm việc của tổ chức này. Tôi cũng làm việc với nhiều tổ chức văn hoá khác tại Hà Nội. Tôi cũng muốn có thêm nhiều sự giao lưu văn hóa hơn nữa. Tôi cũng rất mong muốn người Việt Nam đưa ra ý tưởng tăng cường xúc tiến văn hóa.
Chúng tôi cũng đang xem xét việc phiên dịch nhiều cuốn sách ra tiếng Việt, giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa châu Âu. Chúng tôi có một bộ phận làm về văn hóa khá hiệu quả tại phái đoàn.
Tôi xin kể một câu chuyện, tại tổng hành dinh của chúng tôi ở châu Âu, chúng tôi có một trong mạng nội bộ nói về thành công của các phái đòan trên thế giới. Tuần vừa rồi, hoạt động thi vẽ tranh của thiếu nhi Việt Nam đã được đưa lên trang này. Một trong những vấn đề người châu Âu tiến khá xa so với thế giới, đó là văn hóa, lịch sử. Về mặt văn hóa, chúng tôi muốn chia sẻ điều này với người Việt Nam.
- Tôi năm nay 27 tuổi. Trình độ tiếng Anh có thể giao tiếp được, đọc viết thì chỉ tàm tạm. Tôi có thể có cơ hội làm việc tại EU theo chưong trình nào? (Trịnh Công Thư, 27 tuổi, Ba Đình - Hà Nội)
- Nó phụ thuộc vào công việc nào mà bạn đang tìm kiếm. Phái đoàn chúng tôi có những văn phòng để mọi người tới làm việc. Hầu hết những công việc liên quan đến các văn phòng này là phải nói tiếng Anh hoặc nhiều ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, không phải công việc nào cũng đòi hỏi bạn phải có kỹ năng viết xuất sắc. Trên cương vị là một giảng viên đại học thì tôi khuyên bạn nên tăng cường khả năng viết vì đây là một trong những yêu cầu căn bản khi xin việc.
- Hà Nội buổi sớm mùa Đông rất đẹp, ông có thích đạp xe quanh Hà Nội không? Ông đã đạp xe tới những đâu của Hà Nội? (Trần Trọng Hùng, 35 tuổi, Hà Nội)
Đại sứ EU
- Không phải là buổi sáng (cười). Tôi cũng có một chiếc xe đạp, nhưng tôi rất cẩn thận khi đi xe đạp ở Hà Nội. Tôi đã có găng tay và khẩu trang, nhưng không chắc có sử dụng hay không.
Tôi muốn chia sẻ là tôi rất vui khi những khu phố gần nơi tôi ở là khu đi bộ vào cuối tuần. Tôi rất thich thú với phố hoa đuợc tổ chức đầu năm nay. Việc đạp xe chắc tôi sẽ làm nhiều hơn nữa khi tôi sống ở đây lâu hơn, không chỉ ở Hà Nội mà nhiều nơi khác.
Tôi tới từ Đan Mạch và quốc gia này nổi tiếng về việc đi xe đạp. Nếu được lựa chọn tôi muốn được đi xe đạp nhiều hơn nữa và tôi cũng thích điều này.
- Năm 2012, Liên minh châu Âu bắt đầu áp dụng thuế khí thải hàng không, theo đó các hãng hàng không sẽ phải nộp phí cho 15% lượng khí thải phát ra trong hành trình qua không phận châu Âu. Theo ông, việc này sẽ ảnh hưởng gì tới ngành hàng không của các quốc gia trên thế giới cũng như nền kinh tế nói chung? (Ngan An, 29 tuổi)
- Không phải ngưỡng nộp thuế là 15% mà phụ thuộc vào ngưỡng khí thải. Khi nói đến việc này, chúng ta nên lưu ý về mục đích chính trị. Ở châu Âu chúng tôi luôn đề cập đến việc thay đối khí hậu. Chúng tôi cảm tưởng rằng nếu không chiến đấu việc thay đổi khí hậu một cách nghiêm túc những nước như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những gì chúng tôi làm ở châu Âu là muốn giảm thiểu sự biến đổi xấu khí hậu. Hầu hết những ngành công nghiệp ở châu Âu đã làm khá tốt việc này. Nhưng một ngành duy nhất chưa trả chi phí cho sự ô nhiễm là ngành hàng không. Quyết định đó của EU muốn ngành hàng không phải có trách nhiệm với sự thay đổi khí hậu và có ý thức việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng áp dụng các cách thức để những ngành hàng không nhỏ đến từ các nước khác không bị ảnh hưởng bởi quyết định này.
- Chúng tôi rất quan tâm đến Công nghệ xanh, nhà ở xanh, năng lượng tái tạo của các nước Âu châu. Có cách gì để các công nghệ này sớm được áp dụng tại Việt nam? Chúng tôi rất mong muốn hình thành các chương trình hợp tác khoa học, giáo dục và đào tạo thường xuyên cho các kỹ sư Việt nam với sự trợ giúp của Âu châu, ông có lời khuyên gì? Xin cám ơn ông (Nguyen Truong Tien, 62 tuổi, Số 9 ngõ 44 phố Hàm Tử Quan, HN)
- Ý tưởng này của bạn rất quan trọng. Cách đây 2 tháng, chúng tôi đã kỷ niệm năm EU-ASEAN về công nghệ và công nghệ xanh là một trong những vấn đề then chốt. Chúng tôi khuyến khích sinh viên Việt Nam sang châu Âu học về công nghệ xanh và về áp dụng ở Việt Nam. Châu Âu là nơi tiên phong về công nghệ xanh.
Tôi hơi ngạc nhiên vì Hà Nội rất ít áp dụng công nghệ xanh. Tôi thấy vấn đề này không phải quá phức tạp đâu, như tái tạo, phân loại rác chẳng hạn. Vấn đề này ở Việt Nam chưa tốt dù nhân lực rất rẻ. Tôi thấy còn nhiều thứ mà EU và Việt Nam còn có thể hợp tác, không chỉ về kinh tế mà còn về lĩnh vực nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
- Ngài có dự định ăn cái tết nguyên đán đầu tiên ở Việt Nam không? (Mai Anh, 38 tuổi, Hà Nội)
- Chúng tôi sẽ ở nhà và tận hưởng cái Tết Nguyên đán đầu tiên. Tôi sẽ rất thú vị khi xem cách nguời Việt Nam chuẩn bị Tết, ăn Tết, họ ăn món ăn gì, trao đổi với nhau điều gì, thưởng thức kỳ nghỉ đặc biệt này ra sao.
Tôi đặc biệt thấy thú vị và phấn khích vì đây là cái Tết đầu tiên của tôi, và còn là cái Tết con rồng nữa. Có thể chúng ta sẽ có rất nhiều tin vui trong năm nay và nhiều người muốn sinh con trong năm này. Xin chúc các bạn thật nhiều may mắn tới trong năm con rồng.
- Cảm ơn Đại sứ.

VnExpress
Tags: , ,

MINH TRÍ

Đọc giả thân mến! Những bài viết trong Blog Tri Thức Kế Toán nhằm mục đích cho nhật ký cá nhân. Tuy nhiên những bài viết không cần giữ bản quyền. Nếu quý đọc giả cảm thấy yêu mến đăng lại với điều kiện ghi rõ tên tác giả và để lại một đường link bài viết gốc đầy đủ. Kính mong quý đọc giả lưu tâm, kính tri ân. Lê Minh Trí.

HƯỚNG DẪN CÁCH VIẾT BÌNH LUẬN
1. Sử dụng tài khoản Blogger-Google, LiveJournal, WordPress, TypePad, AIM, OpenID, hoặc Tên/URL-Website [có thể bỏ trống URL], hoặc Ẩn danh [Anonymous] để đưa ra comment [bình luận], nếu muốn.
2. Vui lòng đăng bình luận hòa nhã, đúng mực và cố gắng gõ tiếng Việt có dấu nếu có thể. MINH TRÍ rất vui vì những bình luận thiện chí mang tính xây dựng. Xin chân thành cảm ơn!

0 nhận xét

Leave a Reply