Công văn của Tổng cục Thuế số 25/TCT-CS ngày 03/01/2012 v/v khởi tạo hoá đơn tự in
Kính gửi: - Cục thuế
thành phố Hồ Chí Minh.
- Công ty TNHH
Metro cash&carry Việt Nam. (Đ/c: phường An Phú - An Khánh, quận 2, TP.
HCM)
- Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam (Đ/c: Tầng 10, toàn nhà
194 Golden Building, 473 Điện Biên Phủ,
phường 25, quận Bình Thạch, TP.
HCM)
Tổng cục Thuế nhận được công văn số
66/2011/CV-PKTT ngày 5/09/2011 của Công ty TNHH Metro cash&carry Việt Nam và
công văn đề ngày 26/7/2011 của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam đề nghị vướng
mắc về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Về vấn đề này sau khi báo cáo Bộ
Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Công ty TNHH Metro cash&carry
Việt Nam:
Công ty TNHH Metro cash&carry Việt Nam
trình bày: hiện nay Công ty đang triển khai hệ thống phần mềm bán
hàng mới tên gọi MPOS ở phạm vi tập đoàn cho hơn 29 quốc gia trên thế giới mà
tập đoàn Metro đang hoạt động với hình thức hoá đơn tự in theo hướng dẫn tại
Thông tư số 153/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hoá đơn tự in Công ty đã thiết kế
để tất cả các yêu cầu phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn tại Thông tư số
153/2010/TT-BTC và đã đăng ký phát hành hoá đơn với cơ quan quản lý thuế trực
tiếp là Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh theo Thông báo số 21265/AC ngày
6/6/2011. Việc khởi tạo số hoá đơn bắt đầu phải là: 000.000.1 và số kết thúc
phải là 1.000.000. Tuy nhiên, do Công ty là siêu thị bán buôn đầu tiên đang áp
dụng hình thức xuất hoá đơn GTGT tự in tại quầy bán hàng bằng phần mềm MPOS nên
việc cùng một thời điểm 30 máy bán hàng của Công ty cùng xuất hoá đơn sẽ dẫn
đến việc hoá đơn bị xuất trùng số, về mặt quản lý để kiểm soát và phục vụ cho
việc huỷ hoá đơn, trả hàng rất khó để biết hoá đơn được xuất từ máy bán hàng
nào.
Về vướng
mắc của Công ty tại công văn số
66/2011/CV-PKTT nêu trên, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày
28/09/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Số thứ tự của
hoá đơn là số thứ tự theo dãy số tự nhiên trong ký hiệu hoá đơn, gồm 7 chữ số trong một ký hiệu hóa đơn”.
Tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số
153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Tổ chức, hộ, cá nhân khi tạo hoá đơn không được
tạo trùng số hoá đơn trong cùng ký hiệu”.
Tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số
153/2010/TT-BTC hướng dẫn: “Tổ chức được
tạo hóa đơn tự in sử dụng chương trình tự in hoá đơn từ các thiết bị tin học,
máy tính tiền hoặc các loại máy khác đảm bảo nguyên tắc:
- Việc đánh số thứ tự trên hoá đơn được thực hiện tự động.
Mỗi liên của một số hoá đơn chỉ được in ra một lần, nếu in ra từ lần thứ 2 trở đi
phải thể hiện là bản sao (copy).
- Phần mềm ứng dụng để in hoá đơn phải đảm bảo yêu cầu
về bảo mật bằng việc phân quyền cho người sử dụng, người không được phân quyền
sử dụng không được can thiệp làm thay đổi dữ liệu trên ứng dụng”.
Tại điểm d Khoản 1 Điều 14 Thông tư số
153/2010/TT-BTC hướng dẫn: “Hoá đơn được
lập theo thứ tự liên tục từ số nhỏ đến số lớn.
Trường
hợp tổ chức kinh doanh có nhiều đơn vị trực thuộc trực tiếp bán hàng hoặc nhiều
cơ sở nhận ủy nhiệm cùng sử dụng hình thức hoá đơn đặt in có cùng ký hiệu theo
phương thức phân chia cho từng cơ sở trong toàn hệ thống thì tổ chức kinh doanh
phải có sổ theo dõi phân bổ số lượng hoá đơn cho từng đơn vị trực thuộc, từng
cơ sở nhận ủy nhiệm. Các đơn vị trực thuộc, cơ sở nhận ủy nhiệm phải sử dụng
hoá đơn theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn trong phạm vi số hoá đơn được phân
chia”.
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên và theo
trình bày của Công ty TNHH Metro cash&carry Việt Nam, Công ty được thực
hiện đăng ký việc khởi tạo số hoá đơn dựa trên tổ hợp số thứ tự của máy bán
hàng và số tự nhiên tăng dần từ nhỏ đến lớn để vẫn đảm bảo số thứ tự hoá đơn là
một dãy số tự nhiên gồm 7 chữ số và mỗi liên của một hoá đơn chỉ được in một
lần như sau:
X1X2X3X4X5X6X7
Trong đó:
- X1X2: gồm 02
chữ số tự nhiên là số thứ tự của máy bán hàng 01,02...30...
- X3X4X5X6X7:
gồm 05 chữ số tự nhiên sẽ tăng dần từ nhỏ đến lớn: 00001...99999
Công ty phải mở sổ theo dõi phân bổ số
lượng hoá đơn cho từng máy bán hàng để đảm bảo việc sử dụng hoá đơn phải từ số
nhỏ đến số lớn theo hướng dẫn tại điểm d
Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC.
Công ty TNHH Metro cash&carry Việt
Nam phải thực hiện thông báo phát hành hoá đơn và thực hiện việc khởi tạo số
hoá đơn theo quy định, đồng thời đăng thông báo phát hành hoá đơn trên Website
của Công ty.
2. Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam:
Công ty
TNHH Robert Bosch Việt Nam nêu tại công văn như sau: Theo chính sách của Tập
đoàn Robert Bosch toàn cầu, nhằm phục vụ cho mục đích quản lý và báo cáo, tất
cả các công ty thành viên trong cùng tập đoàn sử dụng hệ thống quản lý SAP. Hoá
đơn xuất khẩu in ra từ hệ thống có đặc điểm:
- Mặc định tên
loại hoá đơn duy nhất là INVOIVE;
- Không thể hiện
rõ tên liên hoá đơn.
- Mặc định có 9
chữ số (bao gồm hai chứ số đầu tiên ký hiệu xuất xứ hoá đơn và 7 chữ số của hoá
đơn).
- Hoá đơn chỉ
thể hiện ngoại tệ mà không có dòng tỷ giá quy đổi cũng như số tiền bằng chữ.
- Số trang của
hoá đơn có nhiều hơn một trang.
- Hoá đơn không
thể hiện chữ ký và con dấu của người bán.
Tại Điều 4 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài
chính hướng dẫn: “1. Nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã
lập phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy.
a) Tên
loại hoá đơn
…
Đối
với hoá đơn xuất khẩu, nội dung đã lập trên hoá đơn xuất khẩu phải bao gồm: số
thứ tự hoá đơn; tên, địa chỉ đơn vị xuất khẩu; tên, địa chỉ đơn vị nhập khẩu;
tên hàng hoá, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền, chữ ký của đơn
vị xuất khẩu (mẫu số 5.4 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp
trên hoá đơn xuất khẩu chỉ sử dụng một ngôn ngữ thì sử dụng tiếng Anh. Tổ chức,
cá nhân được sử dụng hoá đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng hoá, cung
ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu theo
quy định của pháp luật về thương mại”.
Tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 2905/QĐ-BTC về việc đính chính Thông tư
số 153/2010/TT-BTC quy định: “Đối với hoá đơn xuất khẩu, nội dung đã lập trên hoá đơn
xuất khẩu phải bao gồm: số thứ tự hoá đơn; ký
hiệu mẫu số hoá đơn; ký hiệu hoá đơn; tên, địa chỉ đơn vị xuất khẩu; tên, địa
chỉ đơn vị nhập khẩu; tên hàng hoá, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá,
thành tiền, chữ ký của đơn vị xuất khẩu (mẫu số 5.4 Phụ lục 5 ban hành kèm theo
Thông tư này)”.
Tại Điều 1 Thông tư số 13/2011/TT-BTC sửa đổi Điều 6 Thông tư
số 153/2010/TT-BTC hướng dẫn: Tạo hóa đơn tự in
“1.
Đối tượng được tạo hóa đơn tự in
a)
Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp được tạo hóa đơn tự in kể từ khi có mã số
thuế gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập
theo quy định của pháp luật trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất,
khu công nghệ cao.
- Các đơn vị sự nghiệp công lập có
sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ từ một (01) tỷ đồng trở lên tính
theo số vốn đã thực góp đến thời điểm thông báo phát hành hóa đơn”.
“c) Tổ
chức nêu tại điểm a, điểm b khoản này trước khi tạo hoá đơn phải ra quyết định
áp dụng hoá đơn tự in gửi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và chịu trách
nhiệm về quyết định này (mẫu số 5.8 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
Quyết định áp dụng hoá đơn tự in gồm các nội dung chủ yếu
sau:
- Tên hệ thống thiết bị (máy tính, máy in, phần mềm ứng
dụng) dùng để in hoá đơn;
- Bộ phận kỹ thuật hoặc tên nhà cung ứng dịch vụ chịu
trách nhiệm về mặt kỹ thuật tự in hoá đơn;
- Trách nhiệm của từng bộ phận trực thuộc liên quan việc
tạo, lập, luân chuyển và lưu trữ dữ liệu hoá đơn tự in trong nội bộ tổ chức;
- Mẫu các loại hoá đơn tự in cùng với mục đích sử dụng của
mỗi loại phải có các tiêu thức để khi lập đảm bảo đầy đủ các nội dung hướng dẫn
tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này”.
“2. Tổ chức được tạo
hóa đơn tự in sử dụng chương trình tự in hoá đơn từ các thiết bị tin học, máy
tính tiền hoặc các loại máy khác đảm bảo nguyên tắc:
- Việc đánh số thứ tự trên hoá đơn được
thực hiện tự động. Mỗi liên của một số hoá đơn chỉ được in ra một lần, nếu in
ra từ lần thứ 2 trở đi phải thể hiện là bản sao (copy).
- Phần mềm ứng dụng để in hoá đơn
phải đảm bảo yêu cầu về bảo mật bằng việc phân quyền cho người sử dụng, người
không được phân quyền sử dụng không được can thiệp làm thay đổi dữ liệu trên
ứng dụng”.
Căn cứ
vào hướng dẫn nêu trên và theo trình bày của Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam,
Tổng cục Thuế chấp thuận hoá đơn xuất khẩu của Công ty TNHH Robert Bosch Việt
Nam như đề nghị tại công văn ngày 26/7/2011 nêu trên. Tuy nhiên đề nghị Công ty
ghi bổ sung tỷ giá quy đổi vào hoá đơn sau khi hoá đơn được in ra từ hệ thống.
Công ty phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hoá đơn xuất khẩu lập theo
phần mềm của Tập đoàn để kê khai thuế cũng như hạch toán doanh thu, đảm bảo lưu
trữ hoá đơn xuất khẩu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế và
cơ quan chức năng khác.
Đối với
hoá đơn GTGT bán phế liệu, Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam thuộc đối tượng
được tạo hoá đơn GTGT tự in theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 Thông tư số
153/2010/TT-BTC. Hoá đơn tự in sử dụng chương trình tự in hoá đơn từ các thiết
bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác đảm bảo nguyên tắc: việc đánh
số thứ tự trên hoá đơn được thực hiện tự động. Mỗi liên của một số hoá đơn chỉ
được in ra một lần, nếu in ra lần thứ 2 trở đi phải thể hiện là bản sao (copy);
phần mềm ứng dụng để in hoá đơn phải đảm bảo yêu cầu về bảo mật bằng việc phân
quyền cho người sử dụng, người không được phân quyền sử dụng không được can
thiệp làm thay đổi dữ liệu trên ứng dụng.
Tổng cục Thuế
trả lời để Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Metro cash&carry
Việt Nam và Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam được biết./.
0 nhận xét